TNb: Cám ơn BBT Nghệ Thuật Mới đã ưu ái dành 1 trang cho bài viết về Trần Nhương của nhà thơ trẻ Trần Vũ Long. Xin giới thiệu với bạn đọc một người "chẳng có gì quan trọng" qua ánh nhìn của một người trẻ..
Các cụ xưa đã bảo “thất thập cổ lai hy”, đến cái tuổi 70 xưa nay hiếm rồi thì người ta lấy việc xum vầy với con cháu, gia đình làm niềm vui chính, mọi công việc bên ngoài coi như gác hết. Ấy vậy mà tôi thấy nhà thơ Trần Nhương dường như ngược lại. Tuy đã bước qua cái tuổi bảy mươi được mấy năm nhưng ông hoạt động cho công việc bên ngoài thậm chí còn nhiều hơn hồi chưa nghỉ hưu ở Hội nhà văn Việt Nam.
Sau mấy lần gọi điện, khi thì “Chú đang đi thăm ông bạn văn ở tận…”, lúc lại: “Chú đang đi thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ…”, rồi “chú đang đi dự hội thảo…”. Đến một ngày đẹp trời, có vẻ thong thả, ông hẹn tôi: “Sáng nay mày qua chú đi, 12 Lê Hồng Phong nhá”. Tôi vừa phóng xe vừa thắc mắc trong đầu, tại sao “ông già” này lại hẹn ở đây nhỉ, phố đó có nhà dân nào đâu. Khi tìm đến nơi, té ra đó là Cơ quan Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Hỏi thăm anh bảo vệ thì được chỉ dẫn rất nhiệt tình: “À, ông nhà thơ Trần Nhương làm báo Người cao tuổi hả….”. Tưởng ông già nghỉ hưu rồi, thỉnh thoảng tham gia hội hè gì đó cho vui, ai dè lại đi làm báo. Tờ báo Người cao tuổi gần đây cũng được chú ý đến bởi những tin bài thời sự nóng hổi mà không báo nào dám đưa cả, xem ra cũng có gì đó hợp với cá tính “ông già”, còn với tuổi tác thì không. Khuôn viên làm việc của báo Người cao tuổi được mấy phòng nhỏ nhỏ xinh xinh, nên nhà thơ Trần Nhương được xếp chung phòng làm việc với Phó tổng biên tập.
Sau khi rót mời tôi chén trà, ông bảo: “nói thật nhé, ông già này chẳng có gì để viết đâu. Một người rất bình thường, tài năng thì không. Một nhà văn chìm khuất giữa muôn vàn nhà văn khác”. Cầm chén trà trên tay, tôi cười với ông rằng: “Cụ ơi, sự nghiệp văn chương nhà cháu cũng chả dám bàn. Văn tài đến đâu cứ để thời gian và độc giả xác lập, còn muốn viết lách khen chê gì xin nhường cho mấy ông phê bình. Nhà cháu chẳng dại. Còn để làm một người nổi tiếng hay người bình thường âu cũng là cái duyên cái số và có giá cả. Đôi khi cái sự bình thường của con người ta lại dễ xác lập vị trí trong lòng mọi người xung quanh hơn đấy cụ ạ.”.
Nhìn căn phòng làm việc ngổn ngang với bàn, tủ, sách vở báo chí xếp chất ngất, tôi mới hỏi: “Sao nghỉ hưu rồi chú không ở nhà nghỉ ngơi, viết lách, vẽ tranh cho sướng, lại đi làm báo cho mệt”. Nhà thơ Trần Nhương tếu táo bảo: “Mày nhìn chú xem. Tuổi thì cũng có hơi giừ tí nhưng vẫn còn phong độ chán. Tính mình ham vui, ham bạn, đi làm ở đây gần anh em bạn bè hơn ở nhà, dễ gặp nhau. Công việc cũng chẳng có gì mệt nhọc, biên tập mấy trang văn nghệ, đúng sở trường của mình, lại kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nói chung vui là chính”.
Nhà thơ Trần Nhương làm báo Người cao tuổi được ba năm trở lại đây. Ông đến công sở mỗi ngày như bao nhà báo khác. Cái ngày ông được cầm tấm thẻ nhà báo cũng thấy rưng rưng lắm. Bảy mươi tuổi rồi bỗng trở thành “nhà báo trẻ” âu cũng là chuyện xưa nay hiếm. Ấy là nói vậy, chứ thực tình nghề báo với ông cũng là duyên nợ, bởi ông cũng viết báo tự do từ những năm 70 của thế kỉ trước rồi. Có người bảo Trần Nhương vật lộn với cơm áo gạo tiền nên phải ham hố thế, nhưng thực tình đâu phải vậy. Cuộc sống tuy cũng chẳng phải giàu có gì nhưng cũng chẳng thiếu thốn thua kém ai. Ông bảo là do ông tham lam, đó là tham vui, tham làm việc, nhiều lúc cứ muốn chẻ mình ra để làm việc và cả để vui chơi với bạn bè nữa. Nếu nói ông chính thức trở thành người làm báo kể từ khi về công tác tại báo Người cao tuổi vừa đúng lại vừa không đúng. Bởi lâu nay ai cũng biết trang web của ông. Về mặt nào đó nó cũng giống như một tờ báo điện tử vậy.
Trong lúc ngồi trò chuyện với tôi mà điện thoại của ông réo liên tục, toàn chuyện liên quan đến bài vở trên trang web. Nghe cách ông xử lý công việc qua điện thoại, cứ như một ông tổng biên tập của tờ báo có tiếng nào đó. Khi thì ông bạn văn gọi điện nhờ đưa một bài báo mới viết lên trannhuong.com. Lúc, một ông khác gọi trách móc tại sao bác đưa bài nọ bài kia lên, vì cái bài đó nó động chạm đến tôi đấy. Bất kể là điện thoại của ai, khen hay chê thì tôi cũng đều thấy ông cười nói rổn rảng, giải quyết ngon lành, xem ra người bên kia cũng có vẻ chẳng chê trách được gì. Cúp điện thoại rồi ông nói với tôi: “Mày thấy chú có bận rộn không, cũng toàn chuỵện làm báo cả nhưng vui vẻ”. Đúng là khoảng dăm sáu năm trở lại đây nhà thơ Trần Nhương nổi lên như một “nhà báo lão thành” về tuổi đời nhưng trẻ về tuổi nghề. Đó là từ khi trang website: trannhuong.com của ông ra đời. Kể từ đó đến nay số lượng bạn đọc của ông không ngừng tăng trên khắp toàn cầu. Đặc biệt là trong giới văn chương, hễ anh nào biết đến internet hầu như cũng đều vào đọc trannhuong.com cả. Có một nhà thơ nổi tiếng nói với tôi rằng: “cứ mỗi buổi sáng ngồi vào máy vi tính, việc trước tiên là vào trang trannhuong.com, nó thành thói quen rồi. Bây giờ đọc trannhuong.com cũng giống như ngày xửa ngày xưa hay có thói quen đọc báo Nhân dân”. Có lẽ vào đọc trang “báo điện tử” của ông, người ta cảm thấy có chút gì đó gần gũi, cứ như anh em bạn bè đang ngồi nói chuyện với nhau vậy. Từ chuỵện văn chương chữ nghĩa đến chuỵện chính sự, thậm chí là những chuyện nước sôi lửa bỏng quốc gia đại sự, rồi đến chuỵện vui buồn của anh em bạn bè trong giới cầm bút đều được ông đưa lên tuốt tuột. Có người bảo, muốn bài của mình được anh em trong giới viết văn đọc nhiều thì cứ đưa lên trannhuong.com. Nhiều khi, bài vừa đưa lên buổi sáng, đến chiều gặp bạn bè đã thấy bàn tán sôi nổi rồi. Tên tuổi của “nhà báo mạng” Trần Nhương ngày càng được mọi người biết đến, và bạn đọc thực sự tỏ ra quý trọng yêu mến cái tấm lòng của vị chủ bút. Chẳng vậy mà có kênh truyền hình đã từng mời ông đến để làm cuộc phỏng vấn nhận ngày nhà báo Việt Nam. Không ít lần trannhuong.com đã dám nói thẳng nói thật những điều mà không ít các báo khác không dám nói đến. Có người bảo trannhuong.com đang nhúng tay vào sự thật. Nói cho cùng thì cái sự “nhúng tay vào sự thật” đó, âu cũng là lẽ thường tình của mỗi người làm báo cần phải có và nuôi dưỡng trong mình. Người làm báo phải luôn đi chung con đường với nhân dân để cùng phát triển đời sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nhớ hồi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thấy dự kiến băn pháo hoa 29 điểm, ông đã có bài trên trannhuong.com đề nghị nên giảm điểm bắn để lấy tiền ủng hộ bà con lũ lụt miền Trung. Quả nhiên sau đó Hà Nội đã giảm điểm bắn chỉ còn 10 nơi. Những người hay đọc báo mạng đã quá quen thuộc với cụm từ “báo lề trái” và “báo lề phải”, nhưng trannhuong .com có lẽ chẳng thuộc lề nào cả. Ông chỉ làm việc với một tâm niệm là đưa những điều trung thực, phê phán cái xấu, biểu dương cái tốt. Không vì thân quen người này hay sợ người kia mà đưa những chuyện không hay không phải. Chẳng thế mà có một nhà thơ đã tặng cho Trần Nhương và trang web của mình mấy câu thế này:
“Bác Trần chẳng ở trong luồng
Ngoài luồng báo bác cũng tuồng như không
Vô luồng đích thị là ông
Chẳng lề phải trái bác lưu thông giữa đường”
Tôi cứ nghĩ, có lẽ nhà thơ Trần Nhương là một trong số ít những nhà văn cao tuổi lại thức thời với công nghệ nhất. Hầu như lúc nào gặp tôi cũng thấy ông đang bận rộn với laptop hay ipat để vào mạng internet theo dõi trang web của mình đến từng phút một. Ông bảo kể từ khi trannhuong.com ra đời bận bịu như nuôi con mọn vậy, cứ phải để mắt luôn, xem có bao nhiêu người vào đọc và phản hồi về chất lượng bài vở ra làm sao. Bận thì bận thật nhưng vui. Bởi, cũng nhờ nó mà ông có thêm không biết bao nhiêu bạn bè không chỉ trong nước mà ở tận trời Âu, trời Mỹ kia. Có nhiều người bạn, mấy năm nay cứ trao đổi thư từ, điện thoại với ông rất thân tình như là bạn từ thuở nào rồi nhưng thực ra chưa gặp nhau đến một lần. Nhà thơ Trần Nhương bảo, mỗi buổi sáng thức dậy, chưa đánh răng rửa mặt hay làm gì sất, việc đầu tiên là mở máy vi tính, vào trang mạng của mình để xem nó ra làm sao. Mỗi ngày được bắt đầu như thế ông như được gặp lại chính mình. Đã nhiều lần vợ ông phải kêu giời vì suốt ngày chỉ thấy chồng mình dán mắt vào màn hình, từ lúc mở mắt ra cho tới tận đêm hôm khuya khuắt, rồi phải giục ông đi ngủ, bẩy mấy tuổi rồi chứ còn trẻ mỏ gì nữa đâu mà chủ quan sức khoẻ. Bên cạnh đó, vợ ông cũng là độc giả chăm chỉ và khắt khe nhất đối với trannhuong.com. Ngày nào bà cũng vào đọc và góp ý với ông về những bài viết mà ông đưa lên. Đã không ít lần nhà thơ Trần Nhương phải nghe theo “lệnh bà” vì thấy hợp tình hợp lý.
Trước đây, tôi cũng đã một lần đi công tác miền trung cùng với nhà thơ Trần Nhương. Suốt cả cuộc hành trình ông bận rộn với điện thoại về chuyện bài vở của trang web, rồi đi đến đâu ông cũng ghi chép rất cẩn thận. Khi dừng chân ở một địa phương nào đó, mọi người thì lo nghỉ ngơi tắm rửa còn nhà thơ Trần Nhương thì chỉ lo dán mắt vào màn hình. Tối lại, khi mọi người đã chuẩn bị đi ngủ ông gọi tôi lại để cho xem bài tường thuật chuyến đi trong ngày hôm đó của đoàn chúng tôi. Trong đoàn cũng có một số nhà văn cao tuổi khác, có người bảo ông Trần Nhương làm trang web vất vả khổ sở như nuôi lợn, đúng là thân làm tội đời. Nhưng biết làm sao được, với ông nó là sự đam mê rồi thì khó mà cưỡng lại lắm, và khi đã mê cái gì thì cứ gọi là lao như con thiêu thân.
Ngoài những đam mê dành cho văn chương, báo chí ông còn một niềm đam mê dành cho hội hoạ. Nếu như viết lách là một công việc mệt nhọc thì hội hoạ lại giúp ông xả stress. Ông cũng đã đôi ba lần tổ chức triẻn lãm tranh cá nhân, triển lãm chung với bạn bè, phần lớn ai cũng động viên cổ vũ nhưng cũng không ít người chê. Họ bảo ông không lo viết lách lại lo “chấm mút” sang hội hoạ làm gì. Nhưng họ đâu biết ông đam mê hội hoạ giống như một thứ chơi tao nhã. Nếu như viết lách nó là nghiệp thì vẽ tranh giống như một thú vui của ông để cân bằng lại. Với hội hoạ, hay ngay cả với nghiệp viết lách ông không hề ảo tưởng, luôn nhận biết khả năng của mình đúng chừng mực.
Trước đây, nhà thơ Trần Nhương vốn có một cuộc sống vất vả lam lũ. Ông sinh ra tại một làng quê thuộc miền trung du. Không hiểu sao làng của ông toàn sỏi là sỏi nên được đặt tên là làng Sỏi. Tính cách người dân làng ông cũng ngang bướng và cứng đầu như đá sỏi. Và cái bản tính đó phần nào cũng ngấm vào người ông, không bao giờ chịu luồn cúi, hạ mình, thẳng thắn, không để bụng giận ai bao giờ. Gia đình ông trước đây vốn bị quy là địa chủ nên ông phải bỏ học sớm, đi mò cua bắt ốc. Vào tuổi 15. ông xuống Hà Nội học nghề khắc dấu ở phố Hàng Gai. Được một thời gian ngắn thì ông chủ bị bắt vì dính vào ba cái vụ tài liệu hay truyền đơn gì đó, vậy là ông lại thất nghiệp. Ông lang thang khắp chốn Hà Thành làm đủ nghề để kiếm sống. Ban ngày thì đi làm, tối lại ông đi học bổ túc văn hoá và học vẽ. Năm 1961 ông thi đỗ vào trường Sư phạm Hà Nội lớp đào tạo giáo viên dạy hoạ. Ra trường ông đi dạy hoạ được vài năm thì tòng quân cho Tiểu đoàn 936 của Cục vận tải, Tổng cục hậu cần. Chính những năm tháng trong quân ngũ, ông bắt đầu viết văn làm thơ. Năm 1967, bài thơ đầu tiên của Trần Nhương được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1971, ông được đi dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ hai. Năm 1979 Trần Nhương được cử đi học lớp viết văn Nguyễn Du khoá I, sau đó về làm biên tập cho Nhà xuất bản Quân Đội. Đến năm 1993, sau 28 năm mặc áo lính với quân hàm trung tá, trưởng phòng Văn nghệ, ông chuyển công tác sang Hội Nhà văn Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình Trần Nhương cũng đã cho xuất bản gần hai chục đầu sách thơ, truyện ngắn , tiểu thuyết, bút kí. Ông luôn khiêm tốn và tự đánh giá mình là một nhà văn không có gì nổi trội, một nhà văn bị lẫn giữa hàng trăm muôn vàn nhà văn nhưng ông cũng đã dành được dăm bảy cái giải thưởng của các báo, các hội trung ương và địa phương.
Có nhiều người bảo thành công lớn nhất của Trần Nhương đó là trang web: trannhuong.com. Nó đã đem lại uy tín, sự tín yêu, quý trọng và đem lại rất nhiều bạn bè cho ông. Với ông, trannhuong.com là sân chơi, là nơi giao lưu với bạn bè đồng nghiệp. Ông coi nó như là một hợp tác xã, mà những người bạn văn bạn báo đã góp phần làm nên tên tuổi của nó. Còn ông là một ông chủ nhiệm vui tính và thân thiện. Trong mấy năm làm web ông đã tổ chức được mấy cuộc thi để bạn đọc tham gia cho vui như thi thơ khúc khích, thi câu đối. Mới đây ông còn tổ chức trao giải văn chương mang tên Văn chương trannhuong.com. Đây là lần đầu tiên có một cá nhân đứng ra trao giải văn chương nên rất được dư luận quan tâm. Giải thưởng được trao cho tác phẩm Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường và tác phẩm Bão táp Triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Phần thưởng là một chiếc cúp pha lê với dòng chữ Văn chương trannhuong.com, kèm theo một đồng bạc kẽm có niên biểu năm 1976. Giải thưởng đó là tình cảm, sự công nhận của bạn bè văn chương dành cho nhau. Đối với Trần Nhương đó là một cuộc vui có ý nghĩa. Năm qua ông cho xuất bản tập truyện ngắn Nhân tình của mẹ và tập tản văn Tản mạn Môngô đều lấy nguồn bài trên trannhuong.com.
Chia tay với ông chủ nhiệm vui tính và thân thiện, chia tay với nhà thơ Trần Nhương, chia tay với ông nhà báo già tuổi đời mà trẻ tuổi nghề, tôi cứ thầm chúc cho ông luôn giữ được cái tinh thần lạc quan, sống hết mình để yêu thương và vui với cuộc đời. Và tôi xin được kết thúc bài viết này bằng mấy câu thơ của ông trong bài “Chẳng có gì quan trọng”:
“…
Người quan trọng một thời bao thuộc hạ
Giờ vẩn vơ đợi khách chẳng ai thăm
Em Hoa hậu đẹp như nhành lửa ấm
Bếp thời gian để lại chút than hoa!
Em của anh ơi, chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu cũng có thể già
Ta hãy sống vô tư như trẻ nhỏ
Sáng xuân này lối ngõ nở đầy hoa..”.