Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

GIẢ DỐI LÀM XÃ HỘI SUY VI

 Lê Kiên thực hiện
Tại hội nghị “Nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 27-9, nhiều thành viên tham dự đã lên tiếng báo động về bệnh giả dối.

Bệnh giả dối

Thực trạng căn bệnh này thế nào?

Trao đổi với PV về căn bệnh giả dối, TS NGUYỄN VIẾT CHỨC - viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, ủy viên Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội của MTTQ VN, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - nói:

"Cụ Hồ nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Cụ cũng là tấm gương của một người lãnh đạo nói thật, làm thật, sống thật và chia sẻ với dân bằng chính cuộc sống của mình. Để động viên dân diệt giặc đói, bản thân Cụ mỗi bữa tự bốc một nắm gạo bỏ vào hũ gạo cứu đói"

- Câu chuyện về giả dối tôi từng nói cách đây chục năm trước khi bàn về giáo dục, rằng nhà giáo dục nổi tiếng Makarenko có nói một ý là sự nghiệp giáo dục có thể sụp đổ nếu chỉ cần pha một tí chút giả dối. Vậy, nền giáo dục của chúng ta đã “pha chút giả dối” chưa, khi mà tình trạng chạy điểm, chạy trường, học giả bằng thật, bằng giả, tốt nghiệp đỗ tới 99%... đang làm nhức nhối xã hội?

Đã giả dối là trái với văn hóa, mà trái với văn hóa thì không thể nào phát triển bền vững được. Nói tới văn hóa là nói tới chân - thiện - mỹ, trong đó giá trị “chân” được đặt đầu tiên, nghĩa là trước hết phải chân thực, phải có giá trị thật.

Hãy lấy một ví dụ đang được báo chí nói rất nhiều là sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. Theo báo chí, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường bị phát hiện là cóp nhặt, xào xáo. Nếu sự thật như vậy thì hành vi đó quả là giả dối, là ăn cắp, vô trách nhiệm trước dân. Cho nên từ lãnh đạo Bộ Công thương đến lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN, rồi chủ đầu tư đều khẳng định “an toàn” nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, người dân sống xung quanh vẫn cứ bất an, lo lắng. Vì sao vậy, một sự bất tín thì vạn sự bất tin, trong quá trình làm mà có khâu giả dối thì dân làm sao tin được.

* Theo ông, bệnh giả dối đã ở mức độ nào?

- Tôi cho rằng đã ở mức trầm trọng. Rất nhiều người đang sống mà thiếu niềm tin, bởi sự giả dối đã lan rộng quá rồi, đến mức là người thật, làm thật cũng bị nghi ngờ. Đây là điều rất nguy, bởi giả dối đang làm nhiễu loạn xã hội, làm cho tình hình khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tôi nhớ lại, GS Nguyễn Lân Dũng có nêu hiện tượng người trồng rau vẫn phun thuốc trừ sâu nhưng khi chuẩn bị bán lại bắt vài con sâu bỏ vào để lừa người mua là mình trồng rau sạch. Người bán rau biết chuyện đó nhưng vẫn khuyến khích người trồng rau làm để hưởng lãi cao. Sự giả dối ấy diễn ra đến mức mà người làm rau sạch cũng bị nghi ngờ, kết quả là người tiêu dùng không mua với giá thật, tức là tâm lý xã hội không chấp nhận cái thật ấy. Tức là nó đã làm nhận thức xã hội bị đảo lộn, hệ thống giá trị bị đảo lộn, người ta không biết đâu là thật, đâu là giả.

* Ông có nhắc đến thời điểm năm 1986 và nhấn mạnh đến giá trị của sự thật: nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, làm thật. Xin hỏi tại sao bệnh giả dối lại được chữa rất nhanh vào thời điểm năm đó?



- Trước hết là do người đứng đầu, lúc đó là tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã vào cuộc một cách rất mạnh mẽ. Ông Linh là người viết hàng loạt bài báo về những việc cần làm ngay, tức là khởi đầu cho văn hóa nói thẳng nói thật. Nó như một luồng gió mới thổi vào xã hội đang khát khao đổi mới, khát khao đi tìm sự thật, khát khao cải cách. Nhận thức thay đổi, mọi người hiểu rằng sự giả dối đang làm cho cả xã hội suy vi và mỗi người dân thì đói khổ. Vậy là phải nói thật, làm thật, nghĩ thật. Thời bao cấp coi thường buôn bán, coi con buôn là hạng người xấu xa, khi đổi mới nhận thức rằng chỉ coi trọng buôn bán thì mới giàu có được, vậy là xã hội mới có đội ngũ thương gia.



Như vậy, sự thay đổi nhận thức, quay trở về với giá trị thật đã tạo sức bật cho xã hội phát triển. Còn một lý do nữa của thời điểm năm 1986 khiến cuộc đổi mới tiến hành mau chóng, đó là khi chúng ta bị dồn đến chân tường.



* Vậy, tại sao bệnh giả dối lại tái phát đến mức trầm trọng?



- Tôi rất thích câu hỏi này. Có một số người cứ lý giải rằng đó là do mặt trái của kinh tế thị trường. Tôi không đồng tình, bởi cái gì cũng có mặt trái, ngay tấm huân chương cũng có mặt trái, vấn đề là sử dụng nó thế nào. Đừng đổ cho kinh tế thị trường có mặt trái mà phải hỏi rằng tại sao lại để mặt trái của nó phát triển.



Chúng ta không theo kịp sự phát triển. Lúc đầu đang đói, mong ước là no, nhưng khi no rồi câu chuyện nó lại khác. Khi người ta đề cao chuyện làm giàu, đề cao người giàu thì có thể dẫn đến chuyện người ta lại tìm mọi cách để làm giàu và làm giàu bằng mọi giá. Vậy tại sao người ta làm giàu bằng mọi giá, tại sao sự dối trá vẫn tồn tại và được dung dưỡng? Đấy là câu hỏi dành cho những người lãnh đạo, những người quản lý. Một chính sách đưa ra, một cơ chế được ban hành không được làm cho người ta ngộ nhận.



* Sự giả dối khiến người ta nghĩ rằng trong kinh tế thị trường mọi thứ sẽ mua được bằng tiền?



- Các đại biểu Quốc hội đã nói nhiều về nạn chạy bằng cấp, chạy chức chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội, chạy dự án... Đó là sự giả dối. Tại sao tuổi người ta 60 lại có thể “mua” thành 55? Thật khủng khiếp!



Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, lịch sử dân tộc đã cho thấy rằng đời nào chúng ta nghĩ thật, nói thật, làm thật, tạo ra một xã hội công bằng thật sự thì thời ấy cường thịnh, khó khăn nào cũng vượt qua. Tại sao ngay trong thời điểm đất nước khó khăn, chiến tranh khốc liệt thì lại có câu khẩu hiệu đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đấy chính là yêu cầu của xã hội, đấy cũng là chuẩn mực văn hóa. Đảng là tiên phong thì bản thân mỗi đảng viên phải tiên phong. Xã hội cần anh đi trước trong khó khăn gian khổ, không phải đi trước trong hưởng thụ. Chứ bây giờ lương anh chừng ấy, thu nhập chừng ấy mà anh nào nhà, nào xe, nào vợ con mua sắm... thì làm sao anh che mắt được người dân.



* Theo ông, việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 có thể góp phần chống bệnh giả dối?



- Tôi có niềm tin vào dân tộc mình với những điều kỳ lạ, mỗi khi đứng trước khó khăn, bị dồn vào chân tường, chính lúc đó lại lóe lên được những phương án tốt để giải quyết. Còn nghị quyết trung ương 4 chỉ là một việc, nhưng nó là việc rất quan trọng.



Tổng bí thư cũng nói rằng đã bắt được bệnh, tìm được phương thuốc chữa bệnh, chỉ có điều là uống thuốc. Nghị quyết 4 cũng đang làm rất đúng với văn hóa, ấy là nêu gương. Nếu Bộ Chính trị làm trước, làm tốt rồi đến các cấp ủy từ tỉnh ủy, thành ủy cho đến bên dưới làm tốt thì chắc chắc sẽ tốt. Kết quả thế nào thì mọi người vẫn đang chờ đợi.



Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vì bệnh đã nặng nên khó có chuyện uống thuốc ngày trước hôm sau khỏi ngay. Bởi đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái chân thật và cái giả dối, cái đẹp và cái xấu trong mỗi con người và trong toàn xã hội. Điều quan trọng là chúng ta quyết tâm, chắt chiu từng điều tốt đẹp nhỏ nhất, để làm cả xã hội tốt đẹp lên.



Theo Lê Kiên thực hiện (Tuổi Trẻ