Nguyễn Xuân Hưng
Theo thông lệ phương Tây, khi chúc mừng ai thì người ta gọi họ, như “chúc mừng Mit-tờ Mạc”, hoặc ở Trung Quốc thì gọi “Mạc gia phúc hỉ”, nhưng ở Việt Nam, dù kính trọng vẫn là gọi thẳng bằng tên. Tôi cũng định gọi đồng chí ấy là Ngài, là ông, là anh, hay là Nhà văn, Nhà báo… Nhưng xét cho cùng, tôi và ông ấy cùng sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, khi nghiêm túc nhất là gọi nhau bằng đồng chí, sắp yêu nhau hoặc sắp đánh nhau, đều được là đồng chí cả.
Hồi tôi đi làm phim ở Trung Quốc, nhiều người kể rằng, khi đồng chí Ngôn khi viết xong “Cao lương đỏ”, thì cũng bị rầy rà. Đại thể có đồng chí bí thư cho là đồng chí Ngôn viết cao lương và viết về tỏi nổi giận là chế diễu chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng may cho đồng chí Ngôn, bấy giờ Trung Quốc đã qua thời “văn hóa đại cách” rồi, nên tác phẩm của đồng chí Ngôn vẫn ra. Sau khi “Cao lương đỏ” ra đời, có đồng chí Mưu, họ Trương Nghệ, khi đó còn là đạo diễn kém, sống ất ơ ở Xưởng phim Nam Ninh (Quảng Tây), đọc thấy “Cao lương đỏ” có chuyện, bèn đến xin đồng chí Ngôn chuyển thể làm phim, và hứa trả nhuận bút bản quyền bằng một bao cao lương đỏ. Đồng chí Ngôn bèn vui vẻ nhận lời. Sau khi đồng chí Mưu làm phim, cả nước Trung Quốc khi đó mới biết đến hai đồng chí đó là nhân tài. Người ta kể rằng, khi đồng chí Mưu mang bao cao lương đỏ đến nhà đồng chí Ngôn, đồng chí Ngôn rất cảm động, nói: “Lần đầu tiên có nhà làm phim cho tôi nhuận bút. Cao lương này chắc nuôi tôi sống cả đời viết văn đây”.
Bây giờ đồng chí Ngôn được Nô-ben, không biết có biếu đồng chí Mưu gì không? Đồng chí Mưu bây giờ là đại gia in tiền của Trung Quốc rồi, giàu ức vạn tệ, nghe nói tiền tệ đồng chí Mưu rải ra thì kín mặt Trường thành.
Tôi đọc tác phẩm của đồng chí Ngôn đầu tiên là “Đàn hương hình”, sau đó là “Báu vật của đời”. Nhà văn Trần Đình Hiến kể rằng, bản dịch “Đàn hương hình” đến tay chúng ta, đã bị cắt mấy chục trang, nhà xuất bản ở Việt Nam cho là đồng chí Ngôn viết cảnh xử tử một cô phụ nữ ghê quá, mà đồng chí Ngôn tả cô ấy hơi bị sex. Nhà văn Trần Đình Hiến tiếc, cho rằng đó cũng là những trang đặc sắc. Còn cái tên “Báu vật của đời”, thì nguyên bản là “Phong nhũ phì đồn”, tức là “Vú to mông nở”. Coi vú to mông nở đồng nghĩa với “báu vật của đời”, thì ra cả nhà văn dịch giả lẫn nhà xuất bản đều nỡm độc giả. Liệu đồng chí Ngôn có đồng ý thông điệp đó không, tôi nhất định phải hỏi đồng chí Ngôn mới được.
Xét cho cùng, thì “Đàn hương hình” là tiểu thuyết khá nhất của đồng chí Ngôn, quyển “Vú to mông nở” chỉ được 50% quyển phần đầu, còn càng về phần đuôi đồng chí Ngôn viết càng yếu. Nhưng theo nhà văn Trần Đình Hiến, những trang kết lại là một áng văn bất hủ. Lúc nhân vật thế hệ con của người đàn bà Trung Hoa đau khổ nhớ tới bầu vú của người mẹ, như hai cánh của con cánh cam bay lên, biến thành vầng trăng soi khắp thế gian, thì sức khái quát của thiên truyện đã đến đỉnh điểm. Sự ngợi ca người đàn bà đến chót vót ngôn từ.
Phát ngôn nổi tiếng khiến đồng chí Ngôn được kính trọng, đó là quan niệm về lịch sử. Đồng chí Ngôn nói, lịch sử không phải do được ghi chép trong các bộ sử, đó đều có dấu ấn của nhà cầm quyền, mà lịch sử phải được hiểu như nó tồn tại khách quan, được nhân dân kể lại. Đồng chí Ngôn đã lấy đó làm kim chỉ nam viết nên các tác phẩm bất hủ như Đàn hương hình hay tiểu thuyết về mông và vú. Đó là số phận bi phẫn của dân tộc Trung Hoa, tiếng kêu đau đớn của con người trong xã hội mà nhà cầm quyền luôn luôn xưng là con trời. Tác phẩm của đồng chí rõ ràng đôi khi không được lòng nhà cầm quyền.
Song, có một tác phẩm mà đồng chí viết ra, thì có lẽ đồng chí đã nhầm. Lịch sử trong “Ma chiến hữu” quyết không phải là lịch sử của nhân dân kể lại, mà có hơi hướng cop-pết nhiều quan điểm từ các sách giáo khoa được nhà cầm quyền tuyên truyền. Tuy rằng đó là tác phẩm chống chiến tranh, nhưng nó cũng là tác phẩm đậm chất Đại Hán. Có phải nhân dân của đồng chí Ngôn cũng muốn nhà cầm quyền thôn tính láng giếng chăng? Đồng chí Ngôn có tác phẩm này, cho nên tôi cam đoan chính quyền Bắc Kinh bây giờ sẽ không ghẻ lạnh đồng chí Ngôn như đã từng lạnh nhạt với đồng chí Kiện (họ Cao Hành) viết “Linh Sơn” đã từng được giải Nô-ben trước đây. Về khoản tiết tháo, tôi thấy thích đồng chí Ao (họ Giả Bình) hơn. Đồng chí Ao cũng cùng ở Tây kinh với đồng chí Ngôn, nhưng đồng chí Ao không nịnh nhà cầm quyền, ít ra là tôi biết đến thế.
Còn một điều tôi không thích đồng chí, là đồng chí cạnh tranh với một ứng viên Nô-ben là đồng chí Thuận đồng bào của tôi. Có lẽ đồng chí Thuận vận động hành lang kinh quá, khiến hội đồng Nô-ben bực mình, còn đồng chí Ngôn “không nói” thì ngậm miệng ăn tiền. May cho đồng chí Ngôn là Hội đồng Nô-ben không vướng “lợi ích nhóm”, không tham nhũng, nên đồng chí Ngôn được, còn đồng chí Thuận thì rơi.
Một lần nữa kịch liệt phê phán và cũng nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Ngôn.