Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

MỘT NHÀ THƠ TRẺ CẦN GIÚP ĐỠ

Kính thưa các anh các chị, chúng tôi những người bạn của anh Tạ Bá Hương, một nhà thơ trẻ của mảnh đất Tuyên Quang, thực lòng chẳng muốn viết những dòng này. Nhưng vì số phận đã đẩy Hương vào một hoàn cảnh đặc biệt và chúng tôi cũng vào một tình thế đặc biệt với trách nhiệm của tình bạn. Tạ Bá Hương sinh năm 1977, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, hiện là phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang, từng tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, anh đã xuất bản 2 tập thơ: Dòng sông thời gian, Đêm trở giấc. Hương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từng lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống: làm ruộng, làm thuê, đào vàng… Hiện nay, Tạ Bá Hương đang mắc một căn bệnh nan y, đó là suy thận độ 4 và phải chạy thận nhân tạo. Cứ mỗi một tuần Hương vào viện 3 buổi, mỗi buổi khoảng 4 tiếng để lọc lại máu. Suy thận là một căn bệnh tiêu tốn rất nhiều tiền và người bệnh sẽ phải sống chung cho đến chết trừ khi có tiền để thay thận. Với đồng lương của hai vợ chồng làm viên chức nhà nước để nuôi hai con nhỏ (một bé trai 4 tuổi và một bé gái 1 tuổi) vừa lo tiền thuốc thang, chạy thận cho Hương là một việc vô cùng chật vật. Hương và gia đình cũng có mong muốn được thay thận nhưng đó là một việc dường như không tưởng với hoàn cảnh gia đình Hương bây giờ, vì đòi hỏi chi phí quá lớn (khoảng 800 triệu). Khi ngồi viết những dòng này thực lòng chúng tôi đầy hoang mang nhưng rồi cũng rất hy vọng. Trước mắt là hy vọng sẽ giúp được một phần nhỏ bé để Hương có tiền thuôc thang và chạy thận và biết đâu đó, một điều kì diệu sẽ đến giúp Hương có thể thay thận.

LÀM BÁO VĂN NGHỆ THẬT KHÔNG ĐƠN GIẢN


Hướng tới kỷ niệm 65 năm báo Văn Nghệ

Bùi Kim Anh

Tôi đến gặp nhà thơ Giang Nam, người tổng biên tập báo Văn Nghệ trong những năm 1979 – 1981 trong cảm xúc của một cô giáo đã từng nhiều năm dạy bài thơ Quê hương của ông với rất nhiều cảm phục và trân trọng. Và câu chguyện của chúng tôi, tuy là lần đầu gặp gỡ, nhưng chẳng mấy chốc đã trở nên hết sức cởi mở và thân thiện. Mặc dù là người chủ động đến tìm ông, song để có được không khí ấy, phải thú thực cũng là do chính ông, với sự chân tình và thân thiện dành cho tôi, dẫu tuổi tác chênh lệch rất nhiều... Khi nhà thơ Giang Nam tham gia Việt Minh năm 1945, tôi còn chưa ra đời. Khi ông viết bài thơ Quê hương năm 1960 trong nỗi "đau xé lòng anh chết nửa con người...", tôi mới chỉ là cô bé học trò quàng khăn đỏ hồn nhiên cắp sách đến trường. Ở trong tôi và nhiều bạn đọc lứa tuổi tôi, bài thơ Quê hương đem tới những cảm xúc đẹp, cảm động. Giờ gặp ông lúc nhà thơ vừa qua ngày mừng thọ 84 tuổi, ông vẫn đồng ý cho phép tôi gọi bằng anh để câu chuyện thoải mái hơn, và tôi cũng nhận thấy xưng hô như vậy là hợp lý khi ngay lần đầu gặp gỡ, vẫn thấy nhà thơ đi xe máy, vẫn nhớ ngay một bài báo mới đọc của tôi... Ông hào hứng kể với tôi những câu chuyện của ngày xưa một cách gọn, lẹ chẳng cần giấy tờ gì, đôi mắt vẫn sáng lên dưới cặp kính lão và nụ cười nhẹ nhàng, hiền hậu...