Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

LUẬN VỀ CHÍNH VÀ TÀ


Nhà văn: Đắc Trung


1. Khái niệm:

Chính và tà là sản phẩm của bản chất hai mặt đối lập thiện và ác. Nó nằm trong mọi con người, mọi sự việc cả đời sống chính trị, xã hội và tình cảm. Chính và tà thường cùng tồn tại trong một chủ thể, nhiều khi đấu tranh nhau rất quyết liệt tạo ra những xung đột hoặc cuộc sống nội tâm day dứt để rồi chính thắng tà hoặc ngược lại. Chính và tà thường cận kề nhau, đan xen nhau. Trong tà có chính và trong chính có tà. Nhận biết được đâu tà trong chính và đâu chính trong tà để loại tà hướng chính hoặc ngược lại thật không dễ.

Chúng ta ai chẳng phải lo kiếm tiền để sống. Ai chẳng muốn những đồng tiền đó sạch chứ không bẩn, chính chứ không tà. Nhưng bằng cách nào để biết đó là tiền sạch không bẩn, chính không tà cũng không dễ. Có người cho rằng đồng tiền do sức lao động của mình làm ra là sạch không bẩn, là chính không tà..Chưa hẳn đúng. Chẳng hạn viết bài báo bình giải câu thành ngữ: "Bám anh em xa, mua láng giềng gần" (bám chứ không phải bán). Giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn đạo lý truyền thống của cha ông coi tình cốt nhục là thiêng liêng "một giọt máu đào, hơn ao nước lã", để rồi hoàn thiện nhân cách mình, điều chỉnh lại những ứng xử cho đúng đạo lý. Tất nhiên sẽ được trả tiền nhuận bút. Đó là đồng tiền sạch không bẩn, chính không tà. Trong khi làm bài phóng sự về một vụ việc nào đấy, tất nhiên phải đến tận nơi điều tra. Nhưng do tìm hiểu chưa kỹ, tài liệu không đầy đủ và chính xác, lại bình phán chủ quan khiến người đọc bất bình, đối tượng được phản ánh phẫn nộ bởi bị xúc phạm và oan ức. Cũng được trả tiền nhuận bút. Nhưng đó là tiền bẩn không sạch, tà không chính bởi hậu quả bài báo là ác chứ không thiện. Rõ ràng đồng tiền do chính lao động của mình làm ra đâu đã sạch không bẩn, chính không tà?

NHÂN CÁCH BẬC QUỐC SĨ


Nhà văn Hoàng Quốc Hải


Đọc “Lê thị gia phả” tức gia phả họ Lê của danh nhân Lê Đại Cang, có mấy chi tiết tôi rất thú vị.

Thứ nhất, về hưu, ông lập chùa tu, đặt tên chùa là Giác Am, xưng hiệu là Giác Am cư sĩ. Ông viết di chúc dặn cháu con không được ra làm quan (theo nhà soạn tuồng, nhà văn hóa Mịch Quang).

Thứ hai, khi từ quan hồi hương lúc 72 tuổi, về sống ở Luật Chánh, đồ đạc mang về ông Lê Đại Cang quí nhất là thanh long đao và chiếc đòn khiêng võng. Chiếc đón khiêng võng đã gắn bó cùng ông trong hai lần bị cách chức xuống làm lính dõng, lần trước thì nhanh chóng được phục chức, còn lần sau phải lãnh thêm tội chết, nhưng được cho hưởng đặc ân “trảm giam hậu” (tức là bị tội chết nhưng chưa phải chết ngay). Hiện nay, chiếc đòn khiêng võng này đã được giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định lưu giữ, trưng bày còn thanh long đao nghe nói vì thiêng quá, nên gia tộc e sợ đã cho khiêng ném xuống vực ông Đô đầu làng (theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thế Khoa).