Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

LUẬN VỀ CHÍNH VÀ TÀ


Nhà văn: Đắc Trung


1. Khái niệm:

Chính và tà là sản phẩm của bản chất hai mặt đối lập thiện và ác. Nó nằm trong mọi con người, mọi sự việc cả đời sống chính trị, xã hội và tình cảm. Chính và tà thường cùng tồn tại trong một chủ thể, nhiều khi đấu tranh nhau rất quyết liệt tạo ra những xung đột hoặc cuộc sống nội tâm day dứt để rồi chính thắng tà hoặc ngược lại. Chính và tà thường cận kề nhau, đan xen nhau. Trong tà có chính và trong chính có tà. Nhận biết được đâu tà trong chính và đâu chính trong tà để loại tà hướng chính hoặc ngược lại thật không dễ.

Chúng ta ai chẳng phải lo kiếm tiền để sống. Ai chẳng muốn những đồng tiền đó sạch chứ không bẩn, chính chứ không tà. Nhưng bằng cách nào để biết đó là tiền sạch không bẩn, chính không tà cũng không dễ. Có người cho rằng đồng tiền do sức lao động của mình làm ra là sạch không bẩn, là chính không tà..Chưa hẳn đúng. Chẳng hạn viết bài báo bình giải câu thành ngữ: "Bám anh em xa, mua láng giềng gần" (bám chứ không phải bán). Giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn đạo lý truyền thống của cha ông coi tình cốt nhục là thiêng liêng "một giọt máu đào, hơn ao nước lã", để rồi hoàn thiện nhân cách mình, điều chỉnh lại những ứng xử cho đúng đạo lý. Tất nhiên sẽ được trả tiền nhuận bút. Đó là đồng tiền sạch không bẩn, chính không tà. Trong khi làm bài phóng sự về một vụ việc nào đấy, tất nhiên phải đến tận nơi điều tra. Nhưng do tìm hiểu chưa kỹ, tài liệu không đầy đủ và chính xác, lại bình phán chủ quan khiến người đọc bất bình, đối tượng được phản ánh phẫn nộ bởi bị xúc phạm và oan ức. Cũng được trả tiền nhuận bút. Nhưng đó là tiền bẩn không sạch, tà không chính bởi hậu quả bài báo là ác chứ không thiện. Rõ ràng đồng tiền do chính lao động của mình làm ra đâu đã sạch không bẩn, chính không tà?

Phân biệt được chính, tà không dễ còn bởi nguyên nhân khác, đó là tà ngụy chính. Chính và tà biểu hiện qua tâm - ngôn - hành. Thông thường tâm thiện thì ngôn thiện và hành cũng thiện. Nhưng cuộc đời không giản đơn. Nhiều khi tâm ác nhưng lại được ngụy bởi ngôn thiện. Hoặc ngôn thiện cốt để hành ác. Một vị đại quan nổi tiếng tham nhũng, nhưng khi đăng đàn diễn thuyết lại hùng hồn lên án tham nhũng còn việc làm thì hết sức tinh vi để tham nhũng. Thời Tam Quốc, Tào Tháo một lần đem quân đi đánh trận. Thời gian kéo dài trong khi lương thực đã cạn. Nếu binh sĩ biết sẽ hoang mang bỏ trốn. Vương Cấu phụ trách hậu cần rất lo lắng tấu trình Tào Tháo. Tháo bảo Vương Cấu dùng đấu nhỏ thay đấu lớn để phân chia. Cấu nói: "Nếu binh sĩ biết sự gian dối này họ sẽ giết thần". Tháo đáp: "Cứ theo lệnh thi hành. Trách nhiệm ta gánh". Vương Cấu yên tâm làm theo. Quả nhiên việc vỡ lở, quân sĩ căm phẫn kéo đến dinh Tào Tháo. Tháo triệu Vương Cấu tới: "Ngươi một lòng phò ta, ta biết. Nay để yên lòng quân ta mượn của người một thứ". Cấu hỏi: "Thừa tướng mượn thứ gì của thần ạ?". Tháo lạnh lùng: "Thủ cấp của ngươi". Rồi không để Cấu nói thêm Tào Tháo lệnh chặt đầu Vương Cấu bêu trên cọc, dưới dán tờ thông cáo: "Vương Cấu cố tình làm đấu nhỏ thay đấu lớn ăn bớt lương thực. Theo quân pháp, xử chém!". Quân sĩ tiêu tan nỗi bất bình. Nhiều người còn hối hận vì đã hiểu lầm Thừa tướng.

Vị tà quan cũng như hôn quân Tào Tháo, tâm ác nhưng ngụy bằng ngôn chính để hành tà. Nghĩ một đằng nói một nẻo. Nói một đằng làm một nẻo và dùng thủ đoạn tinh vi tàn baọ để đạt mục đích đen tối.

Cho nên dẫu biết rằng chính là sản phẩm của thiện, tà là sản phẩm của ác, nhưng phân biệt được chính, tà quả rất khó. Vậy phải làm cách nào?



2. Căn cứ để nhận biết chính, tà.



Ở đời mọi suy nghĩ (thuộc tâm), phát ngôn (lời nói hoặc văn bản) và hành động đều có chủ đích. Muốn phân biệt chính, tà phải lấy chủ đích là căn cứ. Chẳng hạn nếu chủ đích hướng thiện với mục tiêu cao cả, trong sáng như đặt lợi ích quốc gia và nhân dân, xã hội và cộng đồng trên hết, vì người khác trong đó có mình thì đó là chính. Nếu chủ đích hướng ác, đặt lợi ích bất chính của cá nhân, gia đình, băng nhóm lên trên bất chấp pháp luật và đạo lý thì đó là tà.



3. Chính và tà trong bản chất thể chế chính trị, xã hội.



Bản chất chính hay tà của thể chế chính trị xã hội một quốc gia trước hết thể hiện qua Hiến pháp. Hiến pháp là ý chí nguyện vọng của toàn dân do những luật gia ưu tú soạn thảo, được toàn dân tham gia góp ý và được Quốc hội, những đại biểu giầu đức tài do dân bầu thảo luận, thông qua. Dù nội các này đổ, nội các khác thay thế đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến pháp. Hiến pháp là nền tảng ổn định, là cơ sở cho cả hệ thống pháp luật. Mọi tổ chức chính trị xã hội tới tất cả người dân đều phải hoạt động, sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Có như thế mới đảm bảo cho sự vững mạnh và phát triển của đất nước. Nguyên lý là thế. Nhưng với mỗi quốc gia, ở từng thời kỳ lịch sử đều do một tầng lớp nắm quyền quản lý điều hành đất nước. Bởi vậy việc xây dựng Hiến pháp và hệ thống pháp luật không khỏi do họ chi phối. Nếu việc xây dựng và vận dụng Hiến pháp cùng hệ thống pháp luật đặt chủ đích phục vụ Tổ quốc, nhân dân trên hết. Bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng quốc gia hùng cường, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc cho mọi người dân thì đó là chính. Nếu việc xây dựng hoặc vận dụng Hiến pháp và hệ thống pháp luật trái với những chủ đích trên thì đó là tà.

Việc quản lý điều hành đất nước bằng pháp luật là xu thế tất yếu của lịch sử tiến bộ. Pháp luật nghiêm thì nước thịnh, không nghiêm thì nước suy. Tuy nhiên hiệu lực và hiệu quả việc quản lý điều hành không chỉ ở số lượng và chất lượng pháp luật mà còn phụ thuộc vào mô hình tổ chức bộ máy nhà nước. Đến nay mô hình được coi là tiên tiến nhất mà hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng là "tam quyền phân lập". Nghĩa là có ba bộ phận với chức năng rất rõ ràng: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Lập pháp có trách nhiệm xây dựng Hiến pháp và hệ thống pháp luật, phải đủ, đồng bộ và tiên tiến. Hành pháp có nhiệm vụ dùng Hiến pháp và pháp luật quản lý điều hành đảm bảo sự ổn định, phát triển xã hội. Tư pháp có chức năng giám sát việc thực thi pháp luật và xét xử những hành vi phạm pháp. Thực hiện đầy đủ "tam quyền phân lập" là yếu tố cơ bản đảm bảo bản chất thể chế chính trị xã hội chính, không tà.

Ngoài vấn đề pháp luật và mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, bản chất chính, tà trong thể chế chính trị xã hội còn phụ thuộc ở con người, do con người quyết định. Trong quản lý điều hành đất nước vai trò những người làm việc trong bộ máy công quyền vô cùng quan trọng. Chính hay tà thường phát sinh từ đây. Để hoàn thành nhiệm vụ họ được giao đầy đủ cả chức danh và quyền lực mà pháp luật quy định. Nhân dân bầu ra Quốc hội làm đại diện. Quốc hội bầu ra các chức danh đứng đầu bộ máy Lập pháp, Hành pháp,Tư pháp, phê chuẩn cấp phó và các thành viên. Tương tự ở địa phương nhân dân bầu Hội đồng nhân dân làm đại diện. Hội đồng nhân dân bầu các chức danh đứng đầu cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, phê chuẩn cấp phó và các thành viên. Đồng thời với chức danh họ được giao quyền lực tương ứng do luật định. Bởi thế chức danh ấy, quyền lực ấy là chính danh và chính quyền. Họ chỉ được phép sử dụng chức danh và quyền lực ấy phục vụ Tổ quốc và nhân dân, tuyệt đối không được dùng vào mục đích khác. Những người làm việc trong bộ máy công quyền phải thấm nhuần sâu sắc điều này để xác định và điều chỉnh cả tâm - ngôn - hành của mình cho đúng. Có nghĩa chỉ khi nào nhân danh chức vụ và sử dụng quyền lực được Tổ quốc và nhân dân giao phó nhằm phục vụ Tổ quốc và nhân dân thì mới được coi là chính danh và chính quyền. Nếu lợi dụng, lạm dụng hoặc mạo dụng danh và quyền ấy vì mục đích bất chính thì đó là tà danh và tà quyền sẽ phải nghiêm trị theo pháp luật. Cho nên việc phân biệt chính danh khác tà danh, chính quyền khác tà quyền vô cùng quan trọng. Trước hết đối với những ai đang có chức, có quyền, đặc biệt chức to, quyền lớn. Bản thân chức và quyền không mang ý nghĩa chính, tà nhưng người sử dụng chức và quyền lại mang động cơ, mục đích chính, tà. Việc này rất quan trọng, hưng vong của quốc gia, được hay mất lòng tin của nhân dân thường phát sinh từ đây nên không thể coi thường.



4. Chính và tà trong bản chất con người.



Xã hội chủ yếu có hai tầng lớp: "quan" và "dân".

Trước hết, cả "quan" và "dân" đều là con người, gồm hai phần "con" và "người". "Con" là bản năng tự nhiên. "Người" nhờ tu rèn mới có. "Nhân chi sơ, tính bản thiện" - người ta khi mới sinh ra đều tốt. Cứ nhìn vào ánh mắt trẻ thơ đủ biết. Rồi sau đó do ảnh hưởng và tác động của môi trường sống cùng với sự tu rèn khiến bản chất biến đổi: tốt, xấu, thiện, ác, trung, gian…xuất hiện đan xen nhau. Tuy nhiên quy luật chung là hướng thiện mong làm "người tử tế". Mà muốn làm "người tử tế" thì phải tu rèn. Có hai cách tu rèn rất hữu hiệu: của Khổng Giáo, hoặc của Phật Giáo. Cách của Khổng Giáo là tự soi và nhờ người khác soi để sửa rèn nhằm không ngừng hoàn thiện, nâng cao nhân cách mình. Phải làm theo luật và sống theo đạo. Trong gia đình, dòng tộc phải có tôn ty trên dưới, gia giáo, gia phong, tộc ước, hương ước. Ngoài xã hội phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Phải lấy Đạo làm người làm chuẩn mực. Đó là đại đạo bao gồm nhiều tiểu đạo. Với Tổ quốc là Đạo trung phải đặt trên hết. Tiếp đến với cha mẹ, ông bà và những người thuộc thế hệ trên là Đạo hiếu. Vợ chồng với nhau là Đạo nghĩa. Anh chị em với nhau là Đạo đễ. Với con cháu là Đạo từ. Với thày cô giáo Đạo sư phụ. Với đồng loại Đạo nhân… Đồng thời không ngừng học hỏi để trở thành "quân tử". "Quân tử" là tiêu chí đạo đức rất cao gồm: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Có đạt "chính nhân quân tử" mới "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" được. "Quân tử" cũng được coi như "người tử tế". Hoặc tu rèn bằng thiền tịnh và tận diệt "tham" - "sân" - "si" theo cách của Phật Giáo. Gốc của thiền là thiện. Khi sinh ra con người mang "tính bản thiện". Nếu gặp môi trường ác bị ác đồng hóa, hoặc do thiếu tu rèn thiện sẽ bị mai một. Bởi thế phải luôn thiền để dưỡng thiện. Thiền tịnh là tĩnh tâm để nhìn thấu cái thiện và cái ác trong bản chất của mình nhằm phát huy cái thiện loại trừ cái ác. "Tham" là khát muốn những thứ mà mình không xứng đáng hoặc không có quyền được hưởng. "Sân" là sự bất mãn, nóng giận không làm chủ được bản thân. "Si" là sự ngu muội đến mù quáng không biết phân biệt phải trái, đúng sai, thật giả. Vì "tham" mà "sân" và "si". Hoặc vì "si" mà "tham" và "sân"…Ba thứ độc ấy gắn với nhau là gốc của ác. Tu rèn để khống chế, đẩy lùi tiến tới tận diệt "tham" - "sân" - "si" con người sẽ hướng thiện trừ ác nhằm đạt chính quả mang bản chất bồ tát có tấm lòng nhân ái cao cả, được coi là "thiện nhân". "Thiện nhân" giống như "quân tử" và "người tử tế". Không chịu tu rèn sống theo bản năng, bị cái xấu cái ác đồng hóa sẽ trở thành "người không tử tế".

Tóm lại, con người có hai loại: "người tử tế" và "người không tử tế".

Mà con người là cái gốc của cả "quan" và "dân". Gốc nào sẽ cho cây ấy.

"Dân" là những người làm mọi ngành nghề. Thu nhập của họ do thành quả lao động và không thuộc nguồn ngân sách quốc gia. Họ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với xã hội và được hưởng những quyền do pháp luật quy định. Là dân nên họ phải chịu sự thống trị của "quan". Là người nên họ phải làm theo luật, sống theo đạo và không ngừng tu rèn để làm "người tử tế"..

"Dân" có hai loại: chính và tà.

Ai là "người tử tế" sẽ là chính dân. Ai thuộc loại "người không tử tế" sẽ là tà dân.

"Quan" thuộc tầng lớp thống trị. Họ làm việc tại các cơ quan công quyền và thu nhập từ nguồn ngân sách quốc gia. Họ phải có đức, tài và được tuyển chọn. Họ được giao chức vụ, quyền lực và chỉ được sử dụng chức, quyền đó theo pháp luật nhằm phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

"Quan" cũng có hai loại: chính quan và tà quan.

Trước khi làm quan họ phải làm người và làm dân. Trong khi làm quan cũng vẫn phải làm người và làm dân. Ở đời không ít kẻ bằng mọi cách leo được lên làm quan, thậm chí quan rất to rồi quên mất mình là người và phải làm "người tử tế", cậy có quyền, có tiền vênh váo hách dịch sống thất đức vô đạo ngay cả với đồng chí, đồng nghiệp thậm tệ hơn cả với ân nhân hoặc ruột thịt của mình; quên mất mình là dân và phải làm chính dân lúc nào cũng tinh tướng ngạo mạn, đặt mình cao hơn thiên hạ, ngay nghĩa vụ tối thiểu của một công dân cũng không nghiêm chỉnh thực hiện. Họ cần phải hiểu rằng nếu biết tu rèn để thành "người tử tế" và phải là chính dân thì mới làm được chính quan. Nếu không chịu tu rèn bị xếp vào loại "người không tử tế", không xứng đáng là chính dân thì dù có chức to, quyền lớn đến đâu cũng chỉ thuộc loại tà quan, là đồ bỏ đi. Như thế thì chẳng những có hại cho bản thân mà còn là hậu họa của quốc gia, xã hội.

Hơn nữa làm quan chỉ nhất thời, chứ làm người, làm dân mới vạn đại. Là tà quan mà khi chức quyền không còn sẽ không thể sống thanh thản, càng không thể hòa đồng được với chính dân và những "người tử tế", thậm chí còn bị coi thường, khinh bỉ, oán hận.

Ở đời cái gì liên quan đến nhân cách thường có đạo. Đạo làm người, Đạo làm dân, Đạo làm quan, Đạo làm cha mẹ, Đạo làm con, Đạo cây bút, Đạo thanh kiếm… Trong đó Đạo làm người là gốc và khó hơn cả. Cho nên có kẻ làm đến đại quan, đoạt tới chức Tể tướng mà chưa biết làm "người tử tế". Làm người khó hơn làm quan nhiều lắm. Nhớ rằng bất luận làm "dân" hay làm "quan" đều bị người đời bình phẩm, đánh giá. Nếu là "người tử tế", là chính dân thì dù không làm "quan" cũng vẫn được cộng đồng (hẹp là gia đình, làng xóm, quê hương) và xã hội yêu quý, kính trọng. Nếu là "người tử tế", là chính dân, lại là chính quan thì không chỉ cộng đồng, xã hội mà cả lịch sử ghi nhận, biết ơn thậm chí tôn thờ. Suy cho cùng thì người nào cũng là yếu nhân của lịch sử, chịu sự phán xét của lịch sử căn cứ là công và tội. Trước hết là lịch sử của chính mình, rồi gia đình, họ hàng, quê hương, cơ quan, đơn vị…và Tổ quốc. Sự phán xét rất khách quan và nghiêm khắc với dân thế, với quan còn hơn thế. Đồng thời là "Luật nhân quả". Gieo thiện gặt phúc và gieo ác nhất định phải gánh họa.

Ở Hàng Châu (Trung Quốc) có một pho tượng bằng sắt lở lói. Đó là tượng Tần Cối quỳ lạy trước mộ Nhạc Phi. Nhạc Phi là danh tướng, mưu lược gia kiệt suất trí dũng song toàn. Thuở nhỏ gia đình bần hàn, cuộc sống khổ cực. Là người có chí lớn, nghiên cứu lịch sử, binh thư, văn chương, địa lý. Tính tình cương nghị quả cảm. Khi nhập ngũ mới 19 tuổi, được mẹ xăm vào lưng bốn chữ: "Tinh trung báo quốc" để nhắc nhở con. Ông là vị tướng tung hoành chốn sa trường lập nhiều chiến công hiển hách. Nhưng do Tống Cao Tông, vị vua hèn yếu nghe lời tên gian thần Tần Cối vu cho ông tội "mạc tu hữu" (có lẽ) mưu làm phản và giết hại Nhạc Phi khi ấy ông mới 39 tuổi.

Tần Cối người Kiến Khang, xuất thân quan lại, 25 tuổi làm Giám ngự sử, rồi Ngự sử trung thừa triều Nam Tống. Là kẻ đầy tham vọng quyền lực, bằng mọi thủ đoạn hắn leo tới chức Tể tướng. Để củng cố địa vị Tần Cối lập mưu giết hại các đại thần có công khai quốc như Nhạc Phi, Trương Tuấn, Hàn Thế Trung. Giữ chức Tể tướng 18 năm hắn thay Phó Tể tướng 18 người. Quan trong triều ai không cùng vây cánh, hắn giết.

Tượng Tần Cối không biết do ai dựng và cũng không ai phá. Người đời mỗi khi tới đó thắp hương khấn vái cúi lạy Nhạc Phi thì lại lấy roi quất hoặc dùng tay tát vào mặt Tần Cối.

Đó là chuyện bên Tầu, còn ở nước ta thì từ tiền nhân đã có câu: "Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái sập mồ, mục xương". Nhân dân vốn sáng suốt, công bằng và lịch sử rất khách quan. Mới biết làm chính quan quả không dễ.

Chính, tà luôn bám sát cuộc sống. Trong mỗi con người, mỗi sự việc hầu như đều có hai mặt chính, tà: chính tâm-tà tâm, chính danh-tà danh, chính quyền-tà quyền, chính quan-tà quan, chính dân-tà dân, chính ngôn-tà ngôn, chính hành-tà hành, chính đạo-tà đạo, chính thương-tà thương, chính phú-tà phú, chính nhân-tà nhân…Cuộc đấu tranh giữa chính và tà luôn triền miên, gay gắt, quyết liệt và ngày càng tinh vi. Ở mỗi con người nếu để tà thắng chính thì đó chỉ là đồ bỏ đi. Mỗi cộng đồng nếu để tà thắng chính tất sẽ bất ổn. Mỗi xã hội nếu để tà thắng chính tất sẽ dẫn tới đại loạn. Mỗi dân tộc nếu để tà thắng chính tất sẽ diệt vong.

Bởi thế dù bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng quyết không để tà thắng chính.

Tự do, dân chủ, bình đẳng và hạnh phúc của từng người, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, hưng thịnh hùng cường của quốc gia và sự tồn vong của dân tộc đều phụ thuộc điều ấy./.