Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

THÀY CÁU


Huỳnh Văn Úc
Ông Mộc khánh thành nhà thờ họ. Họ Lê của ông là họ lớn trong làng, nhiều người đỗ đạt, số người có thêm phần đệm đứng trước tên là GS. TS không thể đếm hết bằng số ngón trên hai bàn tay. Vì thế nhà thờ họ Lê của ông cũng được xây dựng vào loại bề thế trong làng. Tuy xây chỉ một tầng, ba gian, hai chái, mái đầu đao, nền cao, cột tròn đổ bê tông cốt sắt bên ngoài sơn giả gỗ, lợp ngói âm dương nhưng ngôi nhà thờ họ đã nổi bật lên giữa chốn làng quê như một điểm nhấn giữa những khối nhà vuông vức xây hai hay ba tầng theo một công thức kiến trúc đơn điệu. Nhà thờ họ xây xong đã gần ba tuần lễ nhưng hôm nay mới chọn được ngày lành tháng tốt mời thầy về làm lễ yên vị các bát hương đặt trên bệ thờ gia tiên tiền tổ. Thầy ngoài bốn mươi tuổi, mặc bộ quần áo nâu, đậm người, mặt vuông chữ điền, lông mày rậm, mắt xếch và sáng, môi dày, giọng nói sang sảng. Thầy đến từ sáng sớm, mọi thứ hương hoa lễ vật đã bày biện xong, con cháu trong nhà đã tề tựu đầy đủ và thầy bắt đầu hành lễ.

Đèn đã thắp, hương đã châm. Thầy gióng bảy hồi chuông, ba hồi mõ, trịnh trọng chắp tay đưa lên ngang trán, dặng hắng một cái rồi bắt đầu khấn:

- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đệ lục thập thất niên, thập nguyệt, thập tam nhật.
Hải Dương tỉnh, Gia Lộc huyện, làng Rỗ.
Trước bàn thờ hương đăng đèn nến, chè rượu hoa quả trầu cau, thịt gà thịt lợn, xôi và bánh trái, kim ngân vàng mã cùng các thứ cung trần bạc tế, tín chủ con là Lê Hữu Mộc cung thừa phụ mẫu cập chư thúc mệnh, hiệp dữ bào đệ, tỷ muội, nội ngoại, tử tôn hôn tế, đẳng đồng gia gia kính bái.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

NGỤ NGÔN THẬT GIẢ

Xuân Đam
Nhân đọc Th.H

Cái thật tự nhận mình giả - đấy là thật giả

Cái giả bảo nó thật thà - thì là giả thật



Thằng buôn Heroin vào chùa thắp nhang lễ Phật

Miệng đọc Nam mô... mong Phật hít vào

Phật mà nghiện thì phù hộ cho mấy thằng được hưởng án treo

Cái phong bì răng cưa mà cưa nhiều người đổ thật



Cái giả đến nhà cái thật - thật thà hỏi xin tí lửa

Cái thật thật thà cho cả bao diêm

Cái giả mang về mò mẫm thật thà mà không biết cách bật lên

Nó bực mình chửi cái thật quen nghề giả trá

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

BÀI HỌC TIẾNG VIỆT MỚI

Đặng Thân

Để tặng N.H.T.

Nếu không hiểu rõ con cu
Đọc vạn quyển sách vẫn ngu như bò

- NGUYỄN BẢO SINH



Chàng lên xe điện ở ga Cầu Mới. Chàng vào thành phố để làm gì nhỉ? Chàng rất hay đi vào trong thành phố. Hình như chàng muốn đi qua một con sông lớn...

Chàng là nhà văn? Liệu chàng có phải là nhà văn? Chưa rõ được, nhưng điều chắc chắn là chàng ba mươi nhăm tuổi. Ở cái tuổi ấy mà chưa nên danh tiếng gì, chưa “ăn hút” gì, thì cuộc đời có nghĩa lý gì không?

– Nghĩa lý gì? Cuộc đời vốn vô nghĩa lý. Tam thập nhi lập. Lập cái gì? Rồi tứ thập nhi bất hoặc. Khổng bụng toàn trời ơi mà cứ thích nói lời dao chém đá. Giời ạ, thập nào mà chẳng hoặc, các lão cổ lai hy còn hoặc, còn đang băn khoăn xem mình sẽ chết như thế nào, hôm ra đi trời có được khô ráo không, có lão còn bật khóc tô tô vì cái ý nghĩ nếu mình chết đi thì người ta sẽ cắt mất luôn cái khoản lương hưu của mình. Hình như cũng ở tuổi ba mươi nhăm đến Liệt Ninh còn đang ngồi viết Làm gì?... Cứ kẻ nào tỏ ra “bất hoặc” nhất thì chẳng qua toàn thằng nói càn. Có nhẽ những kẻ mang danh tính Khổng toàn buông lời hư ngụy. Có khi ta phải đưa tên Khổng vào truyện như một tên rỗng tuếch, Sở Khanh bậc nhất… Ồ em...

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

XIN LỖI CỤ LOMONOSOV !

Hoàng Thảo Chi

Nhiều năm học tập, rồi lăn lộn kiếm sống, trên lãnh thổ liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết cũ, và liên bang Nga bây giờ, nếu là nhà văn đích thực, tôi dám cược “một ăn một trăm” là sẽ viết được cuốn tiểu thuyết cực kỳ vĩ đại, đủ sức hủy diệt bất kì đối thủ nào, dám cạnh tranh với tôi giải Nobel danh giá giành cho văn học.

Nhưng chỉ là kẻ viết lách nghiệp dư, nên tôi quyết định nhường cơ hội ấy cho các nhà văn lớn. Kẻo mọi người lại đàm tiếu là: Qụa muốn thành… Công!!! Hoặc cái gì đó tương tự. Mà tôi thì không thích, những lời lẽ ít tính nhân văn ấy lắm. Nên âm thầm rút lui, tuyệt nhiên không hé răng nói với bất kỳ ai, về cái ý định tranh giải Nobel văn học của mình. Tuy thế, tôi vẫn nhớ và muốn viết về nước Nga đến cồn cào cả lòng dạ. Bởi nước Nga có rất nhiều thứ để nhớ. Mùa thu vàng chẳng hạn. Ai mà không biết đến kiệt tác “Mùa thu vàng” trứ danh của danh họa Levintan kia chứ. Nhưng với tư cách là người đã đi qua rất nhiều mùa thu vàng của nước Nga, tôi xin nói nhỏ với mọi người rằng: Cụ Levintan mới chỉ mô tả được một cái lá vàng, trong cái biển vàng chói lòa vời vợi, của mùa thu nước Nga mà thôi. Trời ơi! Mùa thu vàng nước Nga, làm sao mà ngợi ca bằng màu sắc, âm nhạc, thơ ca…hay bằng cái dỉ cái di, cái gì đi nữa… thì cũng đành bó tay.com mà thôi!!!( Nói vậy, chứ tôi cứ phải xin lỗi cụ Levintan, vì tôi vốn không biết chi về hội họa, mà lại yêu mùa thu nước Nga quá, nên cứ nói đại thế, mong cụ đại xá cho). Hay như nhà thơ Tố Hữu đã trầm ngâm xác nhận: Đẹp như người con gái nước Nga…Tôi và tất cả mọi người đã sống, hoặc đã đến nước Nga, dẫu chỉ một lần, đều một trăm phần trăm đồng ý với nhà thơ về nhận định này. Không biết các nàng tiên trên thượng giới đẹp thế nào? Nhưng các cô gái Nga tóc vàng mắt xanh thì đúng là những kiệt tác tuyệt mỹ nhất, mà chỉ có Thượng đế mới tạo ra được. Nhưng tất cả những thứ đó đều lùi rất xa, mỗi khi tôi nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào, trong những ngày đầu mới đến Matxcơva, và một kỉ niệm đặc biệt là được phong hàm “Giáo sư” đến hai lần trong một ngày…mà lòng tôi dâng đầy thương nhớ!

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

CÁI TÔI KHÁT VỌNG TÌNH YÊU TRONG THƠ ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN

Nguyễn văn Hòa
Trong số những cây bút nữ tài hoa trong lĩnh vực thơ tình như: Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến... thì Đoàn Thị Lam Luyến có một kiểu tình yêu mạnh mẽ, bạo dạn, không giống ai. Bà từng là người đơn phương phát động cuộc “chiến tranh tình ái”. Tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến có cái khao khát bản năng phóng túng, mãnh liệt và sôi nổi. Ít người có được cá tính như bà: phân cực tình cảm, yêu ghét, rạch ròi. Bà yêu “đến nơi đến chốn” và yêu ai cũng yêu một cách tận cùng. Lam Luyến đã từng nếm trải nỗi đau khổ tột độ trên bước đường kiếm tìm hạnh phúc- bến đỗ của tình yêu. Cho nên, trong thơ bà thường xuất hiện những từ ngữ thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt. Bà hoài vọng về một tình yêu vĩnh viễn, đủ đầy nhưng toàn gặp trắc trở và khổ đau. Có lẽ, Đoàn Thị Lam Luyến chỉ sống được trong thế giới của tình yêu. Và “yêu” đó là tâm lý thường trực ở người đàn bà tài sắc đa đoan này.

Bà từng tâm sự: “Tôi chính thức có hai lần đăng ký kết hôn. Hình thức gia đình tồn tại 10 năm trời nhưng hạnh phúc ngắn ngủi không đầy 12 tháng. Sau đó cũng có vài ba cuộc tình ngắn ngủi, nhưng ...”. Dù nhiều lần hẫng hụt, bà nói rằng bà không hề cảm thấy ân hận, bởi đã luôn sống, thương yêu, nhớ nhung và đau khổ thật với lòng mình.

XE CHÍNH CHỦ, LẠM BÀN HAI CHỮ NGU-KHÔN

Trịnh Kim Thuấn

VẾ I : XE CHÍNH CHỦ

Kể từ ngày 10/11/2012 Nghị quyết 71 thực hiện : Phạt vi phạm luật giao thông, trong đó có khoản XE CHÍNH CHỦ. Người chạy xe phải là chủ của chiếc xe đang chạy. Tình hình sôi động lên ngay, phản ứng xã hội gay gắt, có 1 đại biểu Quôc hội thốt lên : ngồi ở trên trời làm chánh sách . Đọc nhiều bài phân tích trên các báo, thì thấy có 2 nguyên nhân phải ban hành luật nầy là : Đám cướp giật gây án phải dùng XE CHÍNH CHỦ, khi gây án thì ngành Công an dễ phá án và khi mua bán xe các bên sang tay nhau mà chạy chứ không sang tên, gây thất thu 1 khoản tiền tiến lớn cho Ngân sách nhà nước.

Thử bàn trường hợp 1 : Khi các đám tội phạm, trộm cướp, giật dọc đi gây án thì chúng nó có dùng XE CHÍNH CHỦ không ? Nhất định là không, chúng nó sẽ dùng số xe gian (do trộm, cướp), kẹt quá nếu dùng XE CHÍNH CHỦ thì chúng nó cũng xài biển số giả, chứ ai mà lạy ông tôi ở bụi nầy , từ 30/4/1975 các vụ án cướp của , giết người … có dính đến xe cộ chẳng phải ngành công an phá án được hết hay sao ? chưa cấn đến nghị định nầy .

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

NHỚ LẠI NHẬN XÉT CỦA MỘT CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI VỀ NGƯỜI VIỆT NAM

Lê Vinh Quốc
Cách nay hơn một con giáp, có lẽ là vào năm 1998, một tờ báo lớn xuất bản ở TP. Hồ Chí Minh đăng nhận xét về người Việt Nam của một chuyên gia nước ngoài, thuộc một tổ chức quốc tế công tác tại nước ta. Tôi không nhớ tên vị chuyên gia đó, cũng không nhớ ông là người nước nào, nhưng lời lẽ của ông thì tôi nhớ mãi, gần như đã thuộc lòng. Tôi xin mạnh dạn dùng dấu ngoặc kép để viết lại lời nhận xét đó:

“ Người Việt Nam rất tài giỏi, họ có thể làm gì cũng được. Nhưng họ không làm được một việc gì cho thật hoàn hảo. Họ thường nói ‘căn bản hoàn thành’, nhưng họ không biết rằng, với một công việc đã hoàn thành 99%, thì tai họa sẽ phát sinh từ 1% còn lại đó.”

Sự tài giỏi của người Viêt Nam thì đã rõ, đồng bào ta luôn tự hào về phẩm chất này của mình, và người nước ngoài cũng phải thừa nhận, vì có rất nhiều trường hợp để chứng minh cho tài năng của người Việt. Nhờ đó, chúng ta cũng có những sản phẩm hoàn hảo, chẳng hạn như những gì được tặng danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cũng như nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng điều cần quan tâm chính là ở nhận xét về một nhược điểm rất nặng: “ Không làm được một việc gì cho thật hoàn hảo”. Sự thật có đúng như vậy không? Câu trả lời phải được đưa ra từ thực tế.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

HỮU THỈNH


Lê Huy Mậu

Tôi đọc thơ Hữu Thỉnh từ lúc còn ở chiến trường. Tôi thích thơ anh ngay từ lần đọc đầu tiên. Bấy giờ thông tin không được nhanh nhạy như bây giờ. Báo đã cũ rồi mới tới tay mình. Đọc cái gì mà nhớ được là nhớ lâu lắm. Thơ anh Thỉnh lấp lánh, ám tượng. Viết về cái gì anh cũng tìm ra được chi tiết độc đáo. Thơ mà sao nó xum xuê, tươi tốt như là một truyện ngắn. Nó đánh thức trong người đọc những liên tưởng về không gian, thời gian, về âm thanh, màu sắc. Nó hiện thực, cụ thể, nó gần gũi, thân thuộc, nhưng lại nghe xa vắng, ảo mờ như trong huyền thoại. Bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh của anh là một ví dụ như thế. Tôi thích câu: Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau/ Tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại/ Đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ây/ ... Đọc thơ Hữu Thỉnh, tôi đã cố công tìm ra một cái gì là cốt lõi trong phong cách thơ của anh. Khen anh đã có người khác, tôi chỉ muốn tìm một nét gì đó để phân biệt anh với các nhà thơ khác trong đội ngũ những người làm thơ thời chống Mỹ mà tôi hằng ngưỡng mộ như Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Mạnh Hảo, Thu Bồn… Điều mà tôi thấy trong thơ Hữu Thỉnh có thể tách ra được, khác được các tài thơ khác chính là cái “chất” trong thơ anh . Những câu thơ hay của anh được nhắc tới nhiều đều là những câu thơ có “chất” và ý vị. Nó giống như trà ngon, uống xong có dư vị để lại. Chưa ai so sánh, tổng kết, nhưng tôi tin, Hữu Thỉnh là người có số câu thơ hay nhiều nhất trong số các nhà thơ cùng thời với mình.

Tôi chưa được Hữu Thỉnh tặng thơ lần nào. Nói đúng hơn tôi chưa tới lượt được Hữu Thỉnh tặng thơ. Những tập thơ của anh tôi có được là do “thó” hoặc xin của bạn bè . Tuyển tập trường ca do nhà xuất bản quân đội ấn hành dày trên bốn trăm trang tuyển chọn mười trường ca tiêu biểu từ trước đến nay, trong đó có trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, nhà thơ Phạm quốc Ca nhờ tôi phô tô cho một bản. Tôi bảo, tiền phô tô còn quá tiền mua cuốn mới. Phạm Quốc Ca bảo, tôi không tìm được, mà phô tô tôi có tiền mua tài liệu nhà trường trả. Đấy là quyển sách dày nhất mà tôi đưa đi phô tô.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

CHUYỆN Ở ẤP ĐÁ BIÊN

Lê Kim Yến-Trương Nguyên Việt

Ngày 22/10/2012, tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Hóa, huyện Thạnh Phước, tỉnh Long An, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) phối hợp với UBND tỉnh Long An và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 207 long trọng tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 207, Quân khu 8. Đây là công trình có sự đóng góp công sức và tiền của của các cơ quan đoàn thể tỉnh Long An, chính quyền và nhân dân huyện Thạnh Hóa, bạn bè, đồng đội, thân nhân gia đình liệt sỹ cùng với nguồn tài trợ 5 tỷ đồng từ VietinBank…

…Bắt đầu là một câu chuyện từ một bài báo của nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về một ngôi miếu thờ đơn sơ có cái tên “Bắc Bỏ” với nhan đề Ngôi miếu thờ “Những thành hoàng làng đội mũ cối” ,đăng trên web của nhà thơ Trần Nhương. Nhà báo Dương Đức Quảng (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, tác gỉả của tập thơ “Một chút” và các tập sách “Tiếng tụng kinh trong ngôi nhà vị tướng”, “Trầm luân nào có chừa ai”… đã hết sức xúc động khi vào website của nhà thơ Trần Nhương đọc bài báo này.Từng là một nhà báo nhiều năm sống chết trong chiến tranh, ông rất xúc động trước tấm lòng của bà con nhân dân ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An – những người đã lập nên ngôi miếu nhỏ để tưởng nhớ hơn 200 liệt sỹ Trung đoàn 207, Quân khu 8 hy sinh tại đây, như tấm lòng của người dân Nam Bộ với các chiến sỹ quê Hưng yên,Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang,Thái Bình…từng là sinh viên các trường đại học Thủy Lợi, Bách Khoa,Xây dựng Hà Nội vào Nam chiến đấu.. Qua bài viết này, ông thấu hiểu được nguyện vọng tha thiết của nhân dân ấp Đá Biên, thân nhân các liệt sỹ và tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 là muốn xây một ngôi miếu Bắc Bỏ thật đàng hoàng để tưởng nhớ các liệt sĩ mà thân xác của họ đã tan rữa vào bãi tràm ngập nước, xương cốt trôi dạt quanh mảnh đất Đá Biên đói nghèo …
Ảnh: Đền thờ liệt sĩ Đá Biên vừa khánh thành