Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

NHÂN CÁCH BẬC QUỐC SĨ


Nhà văn Hoàng Quốc Hải


Đọc “Lê thị gia phả” tức gia phả họ Lê của danh nhân Lê Đại Cang, có mấy chi tiết tôi rất thú vị.

Thứ nhất, về hưu, ông lập chùa tu, đặt tên chùa là Giác Am, xưng hiệu là Giác Am cư sĩ. Ông viết di chúc dặn cháu con không được ra làm quan (theo nhà soạn tuồng, nhà văn hóa Mịch Quang).

Thứ hai, khi từ quan hồi hương lúc 72 tuổi, về sống ở Luật Chánh, đồ đạc mang về ông Lê Đại Cang quí nhất là thanh long đao và chiếc đòn khiêng võng. Chiếc đón khiêng võng đã gắn bó cùng ông trong hai lần bị cách chức xuống làm lính dõng, lần trước thì nhanh chóng được phục chức, còn lần sau phải lãnh thêm tội chết, nhưng được cho hưởng đặc ân “trảm giam hậu” (tức là bị tội chết nhưng chưa phải chết ngay). Hiện nay, chiếc đòn khiêng võng này đã được giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định lưu giữ, trưng bày còn thanh long đao nghe nói vì thiêng quá, nên gia tộc e sợ đã cho khiêng ném xuống vực ông Đô đầu làng (theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thế Khoa).


Tôi thích thú bởi cái chất phóng dật của một nhà nghệ sĩ trong cụ Lê Đại Cang, có gì từa tựa như Nguyễn Công Trứ. Hai cụ đều coi thường danh lợi, thấy việc nghĩa thì làm, thấy việc cần làm thì làm. Hai cụ sinh gần như cùng thời, cụ Lê Đại Cang sinh năm 1771 mất năm 1847, thọ 76 tuổi, cụ Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778, mất năm 1859 thọ 81 tuổi. Cụ Lê Đại Cang từ quan hồi hưu năm 72 tuổi, cụ Nguyễn Công Trứ hồi hưu năm 70 tuổi.

Hai cụ cùng sinh ra trên dải đất miền Trung. Cụ Trứ sinh tại Hà Tĩnh, cụ Cang sinh tại Bình Định theo gia phả thì gốc gác ở Nghệ An, nhưng cái huyện cố hương của cụ thực ra là nằm ở địa phận Hà Tĩnh. Truy nguyên hóa ra hai cụ là đồng hương, thảo nào tính cách cũng hao hao.

Cụ Nguyễn Công Trứ khi làm “Doanh điền sứ”, có công khai hoang lấn biển hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải, được dân yêu kính dựng đền, đình, thờ làm thành hoàng sống. Sự nghiệp khai hoang của cụ Trứ tới nay vẫn là mẫu mực về lấn biển và tưới tiêu dựa theo thủy triều. Còn cụ Lê Đại Cang chỉ có ba năm giữ chức Đê chính sứ Bắc Thành (gồm Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ từ Ninh Bình trở ra) mà hoàn tất công việc đê điều cho Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Sơn Nam, Hà Nam. Không những thế, cụ còn viết sách mô tả hệ thống đê kè, cầu cống có liên quan đến việc trị thủy, và mô tả kỹ những đoạn đê trong lịch sử thuộc xã, tổng huyện nào, cả những khu vực xung yếu cần coi trọng. Sách ấy, không chỉ làm tài liệu cho đương thời mà còn rất hữu ích cho cả đời sau.



Ta hãy xem sức làm việc của cụ. Vào tháng 9 năm 1828, Lê Đại Cang được vua Minh Mạng: “Sai Hữu tham tri Hình bộ là Lê Đại Cang sung chức quản lý Đê chính”. Vậy mà tháng 11 năm ấy, cụ đã khảo sát xong 18 sở đê cũ cần bồi đắp thêm đều là đại công trình cả, ngoài ra còn 10 sở đê mới thuộc các tỉnh Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, cộng 8500 trượng, riêng sở đê mới Kim Quan thuộc Bắc Ninh dài 890 trượng, đất ấy ruộng chiêm trũng ướt, thi công rất khó, xin đến thượng tuần tháng 12 năm nay khởi công. Không chỉ khảo sát mà còn lên cả dự trù kinh phí khoảng 175.500 quan và trực tiếp đứng ra chỉ huy thi công. Tất cả các việc ấy đều được vua y cho.

Sức làm việc của cụ Cang có thể nói là kinh khủng. Không chỉ khảo sát trên thực địa mà còn tiến hành điều tra xã hội học trong đám kỳ mục và dân chúng trong các địa phương, xem việc trị thủy nên giữ hay bỏ đê để khai đào sông ngòi cho thông thủy. Cuối cùng, đi đến kết luận: không thể bỏ đê!

Khối công việc lớn dường ấy mà Lê Đại Cang hoàn tất chỉ trong vòng hai tháng. Xin lỗi, với công việc tương tự ngày nay Cục Đê điều phải lập dự án, điều tra, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí rồi chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt sớm nhất cũng phải sau 3 năm mới thi công được. Ấy là chưa kể đến những việc động trời như nắn dòng chảy, dời cửa sông thì phải tính toán khối lượng đào đắp khổng lồ với gần 32km đê và phải nắm được thủy lưu, thủy chế của dòng sông ấy diễn tiến ít ra trong vòng vài chục năm, thậm chí cả trăm năm mới cho ta thông số kỹ thuật.

Ở đây không chỉ cho ta biết tinh thần trách nhiệm mà cả nghệ thuật quản lý và trình độ am hiểu khoa học của Lê Đại Cang xuất chúng thế nào. Đối chiếu với trận bão số 8 vừa qua tại TP Hải Phòng, khi bão tràn vào, Chủ tịch Thành phố không tài nào liên lạc được với ông Thường trực chống lụt bão của Thành phố. Và chỉ tìm thấy ông ta khi bão tan. Do vậy, Hải Phòng là tỉnh thiệt hại nặng nhất trong các tỉnh duyên hải Bắc Bộ.

Công việc của cụ Lê Đại Cang làm về đê điều ở Bắc Thành trong vòng hai tháng, có thể so với cụ Lê Quý Đôn (1726 – 1784) viết sách “Phủ biên tạp lục”.



Tháng 10 năm 1774, Trịnh Sâm thân chinh đem quân vào đánh Đàng Trong của các chúa Nguyễn, lấy được xứ Thuận Hóa đặt thành ty trấn. Lê Quý Đôn được cử giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ. Lê Quý Đôn đã làm nhiệm vụ này sáu tháng ở Thuận Hóa. Trong thời gian đó, ngoài việc phải tổ chức lại chính quyền, giữ gìn an ninh, phục hồi sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân về mọi mặt, Lê Quý Đôn còn soạn xong “Phủ biên tạp lục”.

“Phủ biên tạp lục” là sách có giá trị bậc nhất về mặt lịch sử. Ngày nay, chúng ta hiểu được tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 18 trở về trước, đặc biệt hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam là nhờ có “Phủ biên tạp lục”.

Quốc sử quán triều Nguyễn lấy khá nhiều tư liệu ở đây để soạn “Đại Nam thực lục tiền biên”.

Trong lịch sử Việt Nam, những bậc giỏi chính sự như Lê Quý Đôn, Lê Đại Cang quả thật không có nhiều.



Bây giờ, ta thử bàn đến chuyện chiếc đòn khiêng võng mà cụ Lê Đại Cang đem về nhà khi hổi hưu được xem như một vật kỷ niệm vô giá.

Khi làm Trấn Tây Tham tán đại thần tức là thay mặt triều đình giải quyết biên sự và phụ trách luôn việc cai quản Nam Vang. Trong thâm tâm Lê Đại Cang không muốn thôn tính Cao Miên, bởi ông biết trước sau rồi người Cao Miên cũng sẽ nổi lên đánh đuổi quân chiếm đóng lấy lại nước của họ. Nhưng vua Minh Mạng quyết thôn tính Cao Miên, nên đặt quan cai trị và sai Trương Minh Giảng, Lê Đại Cang là các đại thần kiêm quản.

Về quan điểm này, về sau trong sách “Việt Nam sử lược” cụ Trần Trọng Kim có chia sẻ: “Quan lại Việt Nam ta sang làm nhiều điều trái lẽ, nhũng nhiễu dân sự, lại bắt Ngọc Vân quận chúa đem về để ở Gia Định, bắt bọn Trà Long và La Kiên đầy ra Bắc Kỳ, dân Chân Lạp ai cũng oán giận, chỗ nào cũng có giặc giã nổi lên đánh phá. Lại có em của Nặc Ông Chân là Nặc Ông Đôn khởi nghĩa, có người Xiêm La giúp đỡ, thành ra quan quân đánh mãi không được. Về sau, đến lúc vua Thánh Tổ mất rồi, quan quân mới phải bỏ thành Trấn Tây mà rút về An Giang. Âu cũng là bởi người mình không biết bênh vực kẻ hèn yếu chỉ đem lòng tham tàn mà ức hiếp người ta, thành ra hao tổn binh lương, nhọc mệt tướng sĩ mà lại phải sự bại hoạn, thật là thiệt hại cho nước mình” (Việt Nam sử lược, tập 2, trang 229).

Ý thức được việc chiếm đóng nước người sẽ có kết cục xấu, nhưng không thể can gián nhà vua, ông bèn dâng sớ cáo quan nhưng nhà vua không cho. Chẳng bao lâu sau, người Chân Lạp nổi dậy đánh đuổi quân chiếm đóng, khiến quân ta tổn thất khá nặng. Tội qui vu trưởng, Lê Đại Cang bị cách tuột quan chức xuống làm lính trơn, phải đến phục vụ quân thứ Hải Đông ở đạo Trà Gi.

Khi ở Trà Gi, thấy quân phủ này tổ chức quá luộm thuộm, sức chiến đấu kém, Lê Đại Cang liền đề xuất và đích thân chấn chỉnh đội ngũ, xếp đặt biền binh cho có quy củ rồi đưa binh đội này đi dẹp loạn.

Vua Minh Mạng được tâu báo việc trên, đã rất bực tức và kết án thật nặng: “Đại Cang hệ cách hiệu khước dĩ đại tướng, tự cư bất úy quốc pháp, bất cố công luận, nghi vấn tọa trảm giam hậu”. (Đại Cang là kẻ bị cách chức phải sung tiền quân hiệu lực mà hành động như một viên đại tướng, không sợ phép nước, chẳng kiêng công luận, đáng làm án trảm giam hậu!).

Lê Đại Cang là một người hào mại, anh tuấn, thấy việc phải làm thì làm chứ không so đo tính toán, nhưng Minh Mạng là người hẹp lượng, cố chấp. Đặc biệt, ông sợ kẻ sĩ ngang tàng bất úy quốc pháp (không sợ phép nước) sẽ làm quyền uy nhà vua không thiêng nữa, phải phòng bị trước, thà giết lầm còn hơn bỏ sót, nên mới triệt Lê Đại Cang nặng như vậy để răn kẻ khác.

Về việc hẹp lượng của Minh Mạng có câu chuyện kể đã được chép vào sách như sau:

“Nhà vua có thói quen ngủ trưa vào mùa hè, phải có 5 cung nữ hầu hạ: một nàng quạt, một nàng ru, một nàng gãi, một nàng đấm bóp, một nàng để sai vặt. Một hôm đang ngủ trưa, Minh Mạng bỗng ngồi dậy la to:

- Đứa nào cả gan hôn vào trán ta. Nói đi không chém đầu cả 5 đứa!

Một nàng nghẹn ngào khóc tâu:

- Thiếp được cha mẹ cho vào chầu hầu bệ hạ đã 5 năm rồi mà chưa một lần được bệ hạ đoái tới. Bữa nay nhân thấy bệ hạ ngủ trưa mặt rồng rực rỡ như hoa, thiếp đánh liều hôn trộm. Trăm lạy, xin bệ hạ tha tội.

Minh Mạng tựa như mỉm cười, nhưng chợt ông đổi sắc mặt phán:

- Tội không nặng lắm. Tình thật đáng thương. Nhưng đã phạm tội bất kính, phải xử tử. Nếu không pháp luật của ta sẽ bị xem thường.

Nói xong Minh Mạng sai đem chém. Chỉ vài phút sau nàng cung nữ dám hôn cái mặt rồng kia đã bị rơi đầu.”(Theo Đinh Công Vỹ - Chuyện tình các vua, chúa và hoàng tộc).

Hoặc giả chuyện ở đất Châu Long thành Thăng Long cũ có cô gái tên Son rất kiều diễm, được tiến cung. Khi đưa nàng vào phòng để Minh Mạng hành lạc, người ta đã bịt mắt cô. Cô gái tò mò hé dải băng để nhìn mặt rồng bị Minh Mạng đuổi thẳng về quê và cấm suốt đời không được lấy chồng. Nhân chuyện này, nhà thơ Nguyễn Bính đã viết vở kịch thơ “Cô Son” gây xôn xao dư luận sân khấu miền Bắc trong những năm 60,70 của thế kỷ trước.

Các bậc đại quan khi về trí sĩ thường lo xây cất dinh thự và trưng cờ biển vua ban, thế mà cụ Lê Đại Cang lại đem về nhà chiếc đòn khiêng lính dõng là cớ làm sao?

Việc Lê Đại Cang giữ lại chiếc đòn khiêng chính là cụ muốn lưu một vật chứng tượng trưng cho sự khinh bỉ. Bởi thế cụ mới di chúc cho con cháu không bao giờ được ra làm quan nữa. Cũng như Nguyễn Công Trứ sau những năm dài thăng trầm dưới triều Minh Mạng, cụ chán ngấy và thốt lên:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Tương truyền, khi về sống những năm cuối đởi ở quê, thỉnh thoảng Nguyễn Công Trứ ngồi trên chiếc xe có con bò kéo. Nơi hậu môn con bò, cụ cho đeo một tấm mo cau, có người hỏi: Cụ làm thế để làm gì? Cụ Trứ đáp:

-Để bịt miệng thế gian!



Kẻ sĩ là như vậy đó. Chí của họ là tự do, tự tại, là dọc ngang trời đất, vẫy vùng trong bốn bể.

Ngay cả trời đất và bốn bể vẫn chưa cho là thỏa. Như Cao Bá Quát từng viết: “Đằng vân do hận cửu thiên đê” (Lên cao tới chín tầng mây vẫn hận trời còn quá thấp).

Cho nên với họ:

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt

Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao

(Nguyễn Công Trứ)

Vì lẽ đó, cụ Lê Đại Cang mới mở thiền tự Giác Am và xưng tên hiệu Giác Am cư sĩ.

Cao đẹp thay, nhân cách bậc quốc sĩ!



Láng Thượng 8 tháng 12 năm 2012.