莫言获奖是政治道德与文学之争 批评者账号被删显讽刺.doc
Việc Ủy ban giải thưởng Nobel văn học Thụy Điển trao giải cho Mạc Ngôn đã gây ra những phản ứng khác nhau trong giới nhà văn Trung Quốc. Điều đó là hiển nhiên. Nhưng người ta cũng quan tâm đến phản ứng của Mạc Ngôn trước những phản ứng.
Tối ngày 11/10, ngay khi được tin được trao giải thưởng Nobel, Mạc Ngôn đã biểu thị một thái độ dè dặt. Trả lời nhà báo về việc có đi nhận giải thưởng hay không, ông đáp để chờ xem Ủy ban giải thưởng bố trí ra sao? Tại sao ông lại dè dặt, vì đối với Giải thưởng Nobel, Chính phủ Trung Quốc luôn có thái độ lá mặt lá trái, luôn áp dụng tiêu chuẩn kép. Năm 2000, khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel, Bộ ngoại giao Trung quốc đã ra tuyên bố phản đối, coi đó là có “động cơ chính trị xấu”. Năm 2010, khi Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel hòa bình, Bộ ngoại giao Trung Quốc lại kháng nghị, nói Ủy ban giải thưởng đã đi ngược lại mục tiêu của giải thưởng này, đã làm vấy bẩn giải thưởng hòa bình. Và để đối trọng, Chính phủ Trung Quốc đã lập ra Giải thưởng hòa bình Khổng Tử. Mọi người đều biết, theo thông lệ, Ủy ban Giải thưởng đều mời những người được giải đến Thụy Điển, vậy thì Mạc Ngôn còn chờ đợi gì? Hôm sau ngày 12/10, tại cuộc họp báo ở Cao Mật, quê hương nhà văn, sau khi Tân Hoa Xã đã đưa tin biểu dương, Hội nhà văn Trung quốc đã chúc mừng, khi các nhà báo nhắc lại câu hỏi ấy, Mạc Ngôn mới trả lời là sẽ đi Thụy Điển.
Những người phản đối Giải thưởng được trao cho Mạc Ngôn, có không ít là các nhà văn nhà báo.
Nhà văn bất đồng chính kiến phải lưu vong sang Mỹ là Ngụy Kinh Sinh nói, Mạc Ngôn là một nhà văn tài hoa, nhưng cách làm của Mạc Ngôn khiến người ta hoài nghi, ví dụ ông tuân theo lệnh của Đảng cộng sản, cùng với một số nhà văn “ngự dụng” bốc thơm “Tọa đàm văn nghệ ở Diên An” của Mao Trạch Đông. Ngụy Kinh Sinh cho rằng trao Giải cho mạc Ngôn là để lấy lòng chính quyền cộng sản.
Bắc Phong, một nhà báo Đại lục hiện cư trú ở Hồng Kông thì viết thư phản đối gửi đến Quĩ Giải thưởng Nobel. Căn cứ phản đối của Bắc Phong là năm 2009, Mạc Ngôn đã cùng với Đoàn nhà văn Trung Quốc tẩy chay Hội chợ sách Trung Quốc ở Phranfuoc, do phía CHLB Đức mời nhà văn bất đồng chính kiến Đới Thanh cùng tham dự. Bắc Phong viết trong thư phản đối: Mạc Ngôn là nhà văn lớp trên (Phó Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc), là một trong những người chủ yếu chịu trách nhiệm về việc hạn chế tự do sáng tác. Ngay dù tác phẩm của ông có tính văn học, dù ông có được giải, nhưng mãi mãi không bao giờ nhận được sự tôn trọng của mọi người. Ông là người thiếu lí tưởng nhân văn mà Giải Nobel văn học theo đuổi.
Ngải Vị Vị một nghệ sĩ tài ba, một nhà bất đồng chính kiến đang bị giam lỏng ở Bắc Kinh nói, đó là sự nhục mạ nhân tính và văn học.
Dư Kiệt một nhà văn trẻ nổi tiếng bày tỏ, tác phẩm của Mạc Ngôn, đơn thuần về mặt văn học, chưa thể so với rất nhiều nhà văn Trung quốc khác, nếu chỉ xét riêng về mặt ngôn ngữ tiếng Hán thì rất thiếu mỹ cảm do tiêm nhiễm quá nhiều tình dục và bạo lực.
Nhà văn Nhiễm Vân Phi cho rằng, có thể ca tụng Mạc Ngôn được Giải Nobel, nhưng hãy đối sử với tất cả những người Trung Quốc được giải thưởng Nobel như nhau. Nếu không làm được như thế thì xin những người ca tụng Mạc Ngôn hãy suy nghĩ xem, đã xẩy ra vấn đề gì?
Tại cuộc họp báo ở Cao Mật ngày 12/10, đáp lại những ý kiến phê phán, Mạc Ngôn nói rằng, việc ông được Giải thưởng Nobel là thắng lợi của văn học, chứ không phải thắng lợi chính trị. Mạc Ngôn nói, tôi tin rằng nhiều người phê bình tôi đã chưa đọc tác phẩm của tôi. Nếu họ đọc của tôi rồi, hẳn họ sẽ hiểu tác phẩm của tôi được sáng tác dưới một áp lực ghê gớm. Tác phẩm của tôi khiến tôi phải chịu rất nhiều hung hiểm.
Cũng ngày 12/10, Thông tấn xã Pháp RFI phát đi từ Bắc Kinh tin Mạc Ngôn, người được Giải thưởng Nobel văn học đã nói: Tôi hy vọng Lưu Hiểu Ba nhanh chóng được trả tự do.
Người ta chờ xem phản ứng của nhà cầm quyền Trung Quốc trước tuyên bố trên của Mạc Ngôn.
Khả Nhân