Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

PHÙ THĂNG, CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ



Nguyễn Ngọc San


<<<Vợ chồng nhà văn Phù Thăng (Ảnh tư liệu do gia đình nhà văn cung cấp)

Tin nhà văn Phù Thăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật làm nức lòng giới văn nghệ tỉnh nhà cùng những người thân, bè bạn gần xa yêu quý ông. Cụ bà Bùi Thị Ngân gần chín chục tuổi trông coi ngôi từ đường ở quê nội Phù Thăng thắp nén hương lầm rầm khấn vái: Thôi thế là tổ tiên cũng phù hộ cho chú nó.

VỀ BÚT DANH CỦA NHÀ VĂN PHÙ THĂNG?

Phù Thăng tên thật là Nguyễn Trọng Phu, cầm tinh con rồng, sinh năm 1929. Quê nội ở thôn Phù Tinh, xã Trường Thành (Thanh Hà). Quê mẹ ở làng Tất Lại, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ). Ngày ông ra đi giữa hôm rằm tháng giêng âm lịch năm 2008. Tiết Nguyên tiêu mưa gió sụt sùi nhưng dòng người đưa tiễn ông có đến ngót ngàn người. Có người từ miền Nam ra. Có người từ Hải Phòng lên, từ Hà Nội xuống. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bỏ hòn đất đầu tiên xuống huyệt mộ Phù Thăng và ghi vào sổ tang: “Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn Việt Nam vô cùng thương tiếc vĩnh biệt nhà văn Phù Thăng.



- Người chiến sĩ quân đội dũng cảm, kiên trung, giàu lòng yêu nước, trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc;



- Một nhà văn tài năng, nhân hậu cống hiến cho đất nước những tác phẩm có giá trị;



- Một tấm gương mẫu mực về người nghệ sĩ cách mạng!”.



*



Năm 1945, Phù Thăng đang học dở chương trình đíp-lôm, tương đương với lớp 9 phổ thông bây giờ thì Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Như bao thanh niên bấy giờ, ông hăm hở đi theo cách mạng với tấm lòng và trái tim nhiệt huyết sục sôi. Phù Thăng gia nhập quân đội, là chiến sĩ của Trung đoàn 42 nổi tiếng Quân khu Ba. Đơn vị của ông hoạt động chiến đấu ngang dọc các tỉnh đồng bằng sông Hồng, làm cho giặc Pháp đảo điên trong suốt chín năm ròng. Người bé nhỏ, tinh nhanh, Phù Thăng được phân công là lính quân báo của trung đoàn. Giỏi tiếng Pháp, ông đã giúp chỉ huy hỏi cung, khai thác nhiều tin tức chiến sự quan trọng từ các sĩ quan thực dân quy hàng và bị bắt. Sau hòa bình năm 1954, Phù Thăng là thương binh chuyển về công tác ở Phòng Văn nghệ quân đội, Báo Thể thao Việt Nam, Xưởng phim truyện Việt Nam. Phù Thăng là một nhà văn đa tài. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, viết kịch bản phim, sáng tác thơ. Tác phẩm chính của Phù Thăng gồm có tiểu thuyết Phá vây, Trận địa mới, Con nuôi trung đoàn; truyện vừa Thử lửa; tập truyện ngắn Con những người du kích, Truyện kể cho người mẹ. Và các kịch bản phim Trên tuyến đầu miền Tây Tổ quốc, Nguyễn Văn Trỗi, Biển lửa, Tiếng gọi phía trước, Quê nhà. Thơ có trường ca Hoa vạn thọ, Cành đào trên giấy đã phai rồi… Ở lĩnh vực nào, Phù Thăng cũng gặt hái được những thành công xuất sắc. Truyện ngắn Con những người du kích văn phong độc đáo, có cái nhìn chuyển giao thế hệ mới mẻ, giải nhì tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn năm 1960. Trường ca Hoa vạn thọ lấy cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng đã nhận giải ba cuộc thi Thơ toàn quốc, Tạp chí Văn nghệ năm 1961. Phim Tiếng gọi phía trước nhận giải thưởng đặc biệt Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va năm 1980. Phim Quê nhà giải nhì Liên hoan phim Việt Nam năm 1982. Cụm tác phẩm gồm tiểu thuyết Phá vây, Con nuôi trung đoàn được xét trao giải thưởng Nhà nước năm 2012.



Yêu quý Phù Thăng, nhiều nhà văn, nhà báo, bạn viết đã khắc họa chân dung ông trên báo, vào sách, lên phim ảnh. Nhưng nhiều người chưa biết đến những điều bình dị về gia cảnh và con người, những giai thoại văn chương của nhà văn nông dân này.



Người cha lãng tử



Phù Thăng là con cụ Nguyễn Trọng Bật ở làng Phù Tinh, xã Trường Thành (Thanh Hà). Thời trước, cụ được dân làng yêu quý, ủng hộ nên đã tranh chức Chánh tổng sắc bá hộ dễ dàng, được Nhà nước phong kiến bảo hộ phong hàm “Cửu phẩm văn giai”. Ngày nhận chức Chánh tổng và sắc phong, cụ bán đi một mẫu hai ruộng khao họ, khao làng. Làm Chánh tổng bán ruộng đi khao thiên hạ thời ấy là chuyện lạ. Nhưng lạ hơn, cụ chánh này vì thương dân nên đã không bóc lột. Vậy là việc gì đến đã phải đến. Cụ Chánh tổng năm đó phá sản, phải bán hết ruộng vườn rồi từ chức. Từ ấy cụ Chánh đương thành Chánh cựu. Cụ sang ở hẳn quê người vợ kế là mẹ Phù Thăng, một gia đình khá giả ở tổng Tất Lại huyện Tứ Kỳ. Cụ ngồi bốc thuốc và dạy học. Đặt bút danh Phù Thăng là nói lái dân gian tên thật của mình. Phù Thăng còn có nghĩa là phù lên, giúp lên, rồi còn có nghĩa là Phù Tinh quê nội của nhà văn. Ông rất thích cái bút hiệu chơi chơi, tinh nghịch này.



Tình bạn chiến đấu, tình bạn văn chương



Ông Vi Dưỡng cùng là lính của Trung đoàn 42, Quân khu Tả Ngạn với Phù Thăng. Năm 1947, Vi Dưỡng bị thương, Phù Thăng cõng bạn về nhà được gia đình cụ Chánh cựu phục thuốc cưu mang, từ đấy tình đồng đội chiến hữu gắn kết hai người đã hơn một nửa thế kỷ nay. Những năm “cơ chế” khó khăn, từ Sài Gòn, cựu binh Vi Dưỡng đã hết lòng chi viện cho Phù Thăng, khi thì đồng tiền bát gạo, khi thì manh áo, thuốc thang. Họ sống với nhau hơn cả tình ruột thịt. Cuối năm Giáp Thân 2004, cụ Vi Dưỡng lúc này đã tám mươi sáu tuổi có cuộc hành hương ra Bắc. Phù Thăng và Vi Dưỡng sang Thanh Hà tìm gặp cô Tuyết là chiến sĩ liên lạc cơ sở kháng chiến của Trung đoàn 42 năm xưa. Cô Tuyết xinh đẹp ngày nào giờ đã là bà quả phụ ngoài bẩy mươi. Ba người bạn ôm nhau nước mắt giàn giụa, những bức ảnh chụp chung, những câu chuyện hàn huyên, những lời mời vào thăm Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.



Đại tá, nhà văn Xuân Thiều (đã mất) là bạn văn, bạn chiến đấu của Phù Thăng. Khi nhận nhuận bút tiểu thuyết Phá vây, Phù Thăng sẻ hẳn một nửa cho Xuân Thiều để góp vào cho bạn trang trải lúc khó khăn. Kháng chiến chống Mỹ, Xuân Thiều đưa cả gia đình vợ con sơ tán về Cộng Lạc (Tứ Kỳ), ở chung với gia đình Phù Thăng hàng năm trời. Các trang bản thảo vội vã của Xuân Thiều ở chiến trường gửi ra đều có sự trau chuốt của người bạn chí cốt Phù Thăng.



Sọt bánh đa vỡ giữa phiên chợ Tết



Bà Phạm Thị Lậng gọi Phù Thăng bằng cậu họ có một kỷ niệm khó quên từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Ấy là phiên chợ Tết hai mươi tám tháng chạp năm 1951. Cháu theo cậu đi chơi chợ Yên, chợ lớn nhất của phủ huyện Tứ Kỳ. Chợ áp Tết đông nghịt người, không len nổi bàn chân. Không may, cô cháu ngã xô vào hàng bánh đa nướng. Bánh vỡ la liệt, cháu sợ xanh tái mặt mày. Phù Thăng nhẹ nhàng đỡ cháu dậy xin lỗi bà chủ hàng bánh đa và bỏ tiền ra mua hết sọt bánh đa về. Thế là chiều áp Tết năm ấy, cả nhà ăn Tết bằng bánh đa nướng no nê. Mỗi lần kể lại cho con cháu, bà Lậng không khỏi sụt sùi về những kỷ niệm đẹp đẽ thiêng liêng về người cậu – nhà văn Phù Thăng.



Cưới vợ cho em



Cưới vợ cho em, cho anh, cho chị hay bạn bè người thân là chuyện thường tình không có gì đáng nói, nhưng đây là đám cưới lạ ở làng Phù Tinh thời bấy giờ. Năm 1954, hòa bình vừa lập lại, hai người em trai của Phù Thăng còn đang tại ngũ, hai người cùng đang yêu hai cô gái làng. Phù Thăng bàn với gia đình, Đoàn Thanh niên cứu quốc tổ chức đám cưới cho hai người em theo nghi thức đời sống mới. Đám cưới tổ chức một lần trong một đêm trung thu trăng sáng vằng vặc của những ngày hòa bình đầu tiên. Đêm ấy có cuộc vui của 4 họ, một làng. Những bát nước chè tươi hái ở vườn nhà, những đĩa kẹo vừng, những mâm bánh đa vui vẻ làm sao. Niềm vui hạnh phúc như được nhân lên mấy lần. Chủ hôn tài hoa khéo léo không là ai khác đó là người anh cả Phù Thăng. Ấn tượng đám cưới hai đôi một lần của một nhà còn lưu mãi cho đến bây giờ. Hai đôi vợ chồng của hai người em đều bách niên giai lão, con cháu đề huề, thành đạt.



Tìm thấy tiểu thuyết bỏ lọ đút nút lá chuối



Số là sau khi viết xong tiểu thuyết Phá vây, Phù Thăng dành ra ba tháng ở trại viết Quân đội hoàn thành bản thảo tiểu thuyết “Tấn công”. Nó được coi như “Phá vây” tập hai. Khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng ra miền Bắc, Phù Thăng vừa lo đào hầm trú ẩn cho gia đình, vừa lo cất giữ những ấn phẩm chưa in là những đứa con tinh thần rứt ruột của mình. Ông bỏ bản thảo “Tấn công” vào lọ sành, đút nút lá chuối thật kỹ chôn ở góc vườn nhà. Khi “Phá vây” gặp nạn, bị phê bình lên xuống tơi bời, Phù Thăng chán nản không nghĩ gì đến bản thảo đút nút lá chuối nữa. Mãi tới sau này khi “Phá vây” được tái bản, bạn bè đồng nghiệp khích lệ, ông mới nghĩ đến tiểu thuyết “Tấn công” nhưng đã gần năm mươi năm từ ngày đào sâu chôn chặt không biết “Tấn công” giờ ở phương nào. Cuối năm 2004, trong ngày vui nhận sách Phá vây tái bản từ Nhà Xuất bản Hải Phòng, Phù Thăng huy động con cháu đào bới tìm “Tấn công”. Xóm giềng, khách qua đường cứ tưởng nhà này đào vàng của cụ Chánh cựu cất giấu khi xưa. May quá, vừa lúc mặt trời gần đứng bóng thì cái lọ sành vẫn dùng để đựng mắm tôm, mắm cáy ở vùng quê Thanh Hà – Tứ Kỳ lộ ra. May hơn nữa là nút còn bưng kín. Bản thảo đã ố vàng, chỉ có hai, ba tờ bị nhàu nát. Nhà văn mừng hơn cả nhặt được của. Ông đốt một bó hương cắm xuống góc vườn, khói bay lên nghi ngút, vái lạy bốn phương.



“Tấn công” viết về số phận tiếp theo của những nhân vật trong “Phá vây” những ngày hòa bình đầu tiên. Họ yêu đương, tranh đấu, trăn trở, suy nghĩ và cả những thách thức của những người lính nông dân thời hậu chiến. Bạn bè, anh em thúc giục ông cho in “Tấn công”, ông cứ ậm ừ. Một nhà văn ở Hà Nội đánh tiếng nhắn tin về, nếu Phù Thăng đồng ý cho xuất bản thì sẽ đưa ngay một số tiền tạm ứng kha khá. Mọi việc lo liệu in ấn từ A đến Z, tác giả không phải nghĩ ngợi gì. Ông không ra nhận lời, cũng không ra từ chối. Người ta biết ông như con chim bị đạn bây giờ vẫn còn sợ cành cong. Đôi mắt đen láy rất linh lợi của người lính trinh sát Trung đoàn 42 giờ đã gần tám chục tuổi đầu đang mờ đục dần. Cuối cùng ông hứa sẽ cho ra mắt “Tấn công” nhưng cần phải để thêm một thời gian gia công lại bản thảo viết trong ba tháng khi xưa.



*



Phù Thăng đi xa đã bốn năm. Cuộc đời thật khổ sở nhưng cũng thật công bằng. Cách mạng gian nan chìm nổi, nhưng cách mạng cũng không quên những công lao, những tài năng tên tuổi. Và Phù Thăng đã được đền đáp. Bài viết tản mạn này như một bông hoa cúc vàng vạn thọ đặt lên nấm mồ ông ở làng Tất Lại. Bông cúc vàng mà nửa thế kỷ trước ông đã viết những dòng hào hùng về đồng đội ông trong trường ca Hoa vạn thọ:



Người đã khuất

Hai chiến sĩ vô danh trên đồi A1

Mang lịch sử vạn con người đã mất

Đẹp hơn cả nắng mặt trời

Trên đồi A

hoa vạn thọ vàng tươi

Như mọi người

tôi đã hiểu vì sao

Mẹ hiền đất nước

Tặng các anh

hoa – mang – tên – không – chết

Như các anh sống mãi giữa lòng người.



Theo Báo Hải Dương