Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

NGU KHÔNG BIẾT NGU MỚI LÀ MỐI NGUY CHO XÃ HỘI


Trần Huy Thuận



Con người ta sinh ra, có kẻ thông minh, có kẻ ngu tối. Có kẻ mới sinh ra đã bộc lộ tư chất thông minh, có người vừa ra đời sự đần độn đã hiện ngay ra mặt. Trẻ thông minh, lớn lên chưa chắc đã duy trì được như vậy và ngược lại. Một nhà bác học nói: “Thông mình 99% là do nỗ lực học tâp, chỉ có 1% là nhờ bẩm sinh” – câu nói có vẻ thiên về động viên và khiêm tốn hơn là thực tế.

Để đánh giá một người thông minh, người ta có nhiều cách gọi: Giỏi giang, tháo vát, nhanh nhẹn, năng động, thức thời, thông thạo… Để nhận xét một kẻ ngu dốt, chúng ta nói: dốt nát, tối dạ, đầu óc tối tăm, kém hiểu biết, ngu si, cù lần, ngu muội, ngu đần, ngu xuẩn, ngu lâu, cuồng tín,…

Thông minh hay ngu tối có thể do bẩm sinh, có thể do không chịu học. Thông minh do bẩm sinh nhưng không được bồi bổ liên tục bằng sự học, thì sự thông minh sẽ dần bị hạn chế. Ngu tối do ít học, có thể được cải thiện bằng sự nỗ lực vượt bực trong học tập. Ngu tối do bẩm sinh thì thường khó thay đổi.

Khôn ngoan là biểu hiện của thông minh (W. GOETHE nói: Trí thông minh làm cho ta thấy mình khôn ngoan hơn). Người thông minh thường nhận ra “Càng học càng thấy dốt”.
Bởi khôn ngoan là thấy được sự giới hạn của bản thân mình – đó chính là sự khiêm nhường. Vậy có thể nói, người sống khiêm nhường chính là người thông minh. Kẻ dốt nát, biết một đã tưởng hiểu mười! Người khôn ngoan là người biết sống để mọi người nể phục, kẻ ngu dại toàn thích làm những điều gây sự khó chịu cho người khác (Ca dao xưa có câu: “Khôn cho người ta dái (kính nể), dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét”). Người thông minh mà khiêm tốn, thì sự thông minh của người ấy càng nhân lên, càng phát huy, càng tập hợp được nhiều người thông thái bên mình.

Người tự phụ, tự cao, tự đại, vỗ ngực,… chính là người không thông minh và từ đó chỉ có thể lôi kéo về quanh mình những kẻ “cùng hội cùng thuyền” với mình (“Gần người ngu thì dại/ Gần kẻ nịnh hót thì a dua/Gần đứa tham lam thì trộm cắp” – Mạnh Tử). Sống hoặc làm việc với người thông minh thường dễ chịu và dễ thay đổi được chỉ số IQ theo hướng tăng lên (Mạnh Tử nói: “Gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông”). Ngược lại, gần người ngu tối thường dẫn đến bực mình, đần độn theo: Rồng vàng tắm nước ao tù/ Người khôn ở với người ngu bực mình. Hoặc là: Trăm năm ở với người đần/ Không bằng một lúc ở gần người khôn. Lại nữa: Làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại.

Câu nói: ngu si hưởng thái bình chỉ nói lên điều không ai muốn chấp, muốn dây với kẻ ngu!

Để khen một ai đó thông minh, chúng ta chỉ có mấy chữ như “thông minh quá”, “giỏi quá”, “tài ba quá”, “thông minh xuất chúng”,…

Để chê một người ngu tối thì xem ra có rất nhiều hình dung từ: “ngu như lợn”, “ngu như bò”, “ngu như chó”, “ngu hết chỗ ngu”, “ngu hết phần ngu của người khác”, “ngô nghê như bò đội nón”, “đồ đần độn”, “dốt đặc cán mai”…

Kẻ ngu tối tự biết mình ngu, là cái phúc cho cộng đồng. Nhưng kẻ ngu tối không biết mình ngu, cứ “vô tư ngu” mới thực sự là nguồn thảm họa đối với tất cả những người sống trong vòng ảnh hưởng của sự ngu tối đó của anh ta – Chính đây mới là loại người nguy hiểm đối với xã hội.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không hiếm gặp kẻ ngu không những không nhận ra mình ngu, trái lại còn vỗ ngực nhận mình là kẻ thông minh. Thật đau lòng, nếu kẻ đó lại nắm giữ một chức quyền nào đó trong xã hội, lại thường xuyên đi rao giảng “điều hay, lẽ phải”, lại thích đóng vai “mẫu nghi”… của thiên hạ! Do vị thế quyền lực, loại người này thường không nhận được sự đánh giá trung thực của cấp dưới về “chỉ số IQ” của mình, ngược lại, anh ta thường xuyên được bọn xu nịnh vây bọc tán dương lên tận mây xanh, nên đã ngu, càng ngu.

Theo blog Nguyễn Trọng Tạo