Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

SIÊU HẢI – ĐỜI LÍNH – ĐỜI VĂN

Thiên Sơn


Nhà văn Siêu Hải

NTT: Đại tá – Nhà văn Siêu Hải, tác giả của Voi đi, Sông Lô, Ngọn bút trong sương, Trăm năm truyện Hà Nội, bộ tiểu thuyết 3 tập về Hà Nội: Mảnh trăng Tô Lịch, Bóng chiều Thăng Long, Nắng kinh thành… đã qua đời vào lúc 4h25 ngày 21/9/2012, hưởng thọ 89 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Siêu Hải, sinh này 2/7/1924 tại Hạ Thái, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Hôm nay là ngày tiễn ông về cõi vĩnh hằng, NTT xin giới thiệu cùng bạn bài của Nhà văn Thiên Sơn viết về ông.

Trong căn phòng thiếu cửa sổ, lúc nào cũng phải bật đèn, một ông già chỉ còn da bọc xương, vẫn ngày ngày mải mê với từng trang bản thảo. Mắt ông đã yếu lắm. Nhìn trang giấy chỉ còn là một khoảng mờ mờ trắng. Vậy mà ông vẫn viết. Ngọn bút đuổi theo từng ý nghĩ, đôi khi ông viết tràn ra khỏi mặt giấy. Muốn đọc lại những gì vừa viết, ông phải dùng kính lúp soi từng chữ. Ấn tượng ấy về nhà văn Siêu Hải đã ám ảnh tôi nhiều năm nay. Mãi đến khi đã không còn tự viết được nữa, ông mới nhờ đến các cháu sinh viên văn khoa làm thư ký. Ông luyện một cách làm việc mới, đọc cho các cháu chép, rồi trên cơ sở bản thảo ấy, hoàn thiện dần dần. Vậy mà rồi những cuốn truyện và hồi ký như Ngọn bút trong sương, Trăm năm truyện Hà Nội, Người lính nhà văn… đã ra đời. Những cuốn sách cuối cùng ấy của một đời văn kết tinh từ nỗi vất vả, cực nhọc không kể xiết. Đã gần 90 tuổi mà cái lòng khao khát sống, khao khát lao động và khao khát mang lại cho người đọc những trải nghiệm một đời người vẫn thôi thúc mãnh liệt trong ông.



Nhưng giờ thì ông đã không thể làm việc được nữa rồi…



Nghe tin ông bị viêm phổi nặng tôi vội đến thăm. Cơn cấp tính thì đã lui nhưng do tuổi cao, sức ông đã kiệt. Ông nằm trên chiếc giường mộc. Hai tay bắt lên bụng. Mắt nhắm nghiền. Hơi thở khò khè. Thần sắc như đã biến đi. Vợ ông gọi. Ông hé mở giây lát, ngỏ ý mời chúng tôi ngồi bên cạnh, rồi mệt quá, mắt ông lại nhắm. Ông muốn nói điều gì mà không thể nào nói được. Lòng tôi tê thắt lại. Thế là tôi sắp phải từ giã một con người, một nhà văn mà tôi yêu quý đã từng 20 năm gắn bó trên ngôi nhà chung thân thiết của các văn nhân cùng chí hướng ở “chiếu Văn”.



*



Siêu Hải xuất thân từ một dòng họ trí thức kiêm đại công thương gia nổi tiếng 12 đời của Hà Nội. Tốt nghiệp tú tài, ông tham gia quân đội và theo học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên năm 1946. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, Siêu Hải trở thành sỹ quan trẻ và tham gia chiến đấu trên những mặt trận ác liệt nhất trước khi trở thành nhà văn.



Đồng đội thường gọi Siêu Hải là “công thần pháo binh”. Sở dĩ có cái danh hiệu ấy là bởi, ông đã có mặt từ buổi đầu kháng chiến chống Pháp, trở thành một trong những chỉ huy trẻ và có đóng góp lớn từ khi hình thành những đơn vị Pháo binh đầu tiên của quân đội ta.



Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, khi quân Pháp đưa một lực lượng lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng đầu não kháng chiến của ta, Siêu Hải là một trong ba chỉ huy pháo binh trực tiếp chỉ huy trận đánh nổi tiếng trên Sông Lô. Trong những ngày đầu, do những khẩu pháo cũ kỹ, chắp vá, do thiếu kinh nghiệm nên pháo binh ta không bắn trúng tàu địch. Một không khí hoang mang tột độ trùm lên. Quân địch với từng đoàn tàu chiến ngênh ngang chuyển quân và vũ khí đi lại trên sông Lô mà không có cách nào ngăn cản được. Cuối cùng, chính Siêu Hải đề nghị chuyển pháo xuống sát bờ sông Lô, bắn thẳng. Được chỉ huy cấp trên đồng ý, trận chiến “giáp lá cà” này đã tiêu diệt nhiều tàu chiến của địch, chặn đứng đà tiến quân trên sông Lô của kẻ thù, góp phần quan trọng vào chiến thắng thu đông năm 1947. Trận chiến có ý nghĩa quyết định ấy bẻ gãy ý chí của kẻ thù, động viên toàn quân phấn khởi chiến đấu khắp từ bắc vào nam. Sau chiến thắng vang dội đó, chính Siêu Hải là người đưa nhạc sỹ Văn Cao đi thăm lại sông Lô, kể lại những giờ phút chiến đấu oai hùng của quân ta, tạo nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ sáng tác Trường ca sông Lô nổi tiếng. Cũng từ trận chiến này, Siêu Hải đã ôm ấp khát vọng viết tiểu thuyết Sông Lô, và ông đã hoàn thành cuốn sách quan trọng này sau đó 34 năm.



Một dấu ấn quan trọng khác trong đời chỉ huy pháo binh của Siêu Hải chính là việc ông đã được giao trọng trách chỉ huy pháo binh đánh mở màn trong trận Đông Khê, mở màn chiến dịch Biên giới 1950. Dưới sự chỉ huy của Siêu Hải, trận phủ đầu của pháp binh ta gây tổn thất lớn cho địch, góp phần đáng kể vào chiến thắng chung của chiến dịch, giải phóng cả một vùng biên giới rộng lớn.



Sau đó, Siêu Hải tiếp tục có mặt trong các trận chiến quan trọng khác, từ Điện Biên Phủ đến Vĩnh Linh, Khe Sanh, Đường 9… và cho đến tận khi cuộc chiến 30 năm kết thúc thắng lợi.



Từ một cán bộ chỉ huy cấp trung đội từ buổi đầu lần lượt Siêu Hải đảm nhiệm vị trí chỉ huy cấp đại đội, rồi tiểu đoàn, trung đoàn Pháo Binh. Siêu Hải gắn bỏ với từng khẩu pháo nối nòng buổi đầu kháng chiến chống Pháp cho đến khi Pháo binh ta trưởng thành, trở thành một lực lượng hùng mạnh gây kinh hãi cho kẻ thù. Sau gần 40 năm chiến đấu không ngừng, đến đầu những năm 1980 Siêu Hải về hưu với quân hàm đại tá và từ đây ông có nhiều thời gian chuyên chú cho văn chương. Siêu Hải lại dấn thân vào một hành trình mới vất vả, nặng nhọc viết nên hàng ngàn trang sách.



*



Đời văn Siêu Hải chia làm 2 chặng.



Chặng đầu là những tác phẩm viết trong kháng chiến khi ông vừa là chỉ huy chiến đấu vừa tranh thủ cầm bút.



Tác phẩm đầu tay tiêu biểu của Siêu Hải gây được tiếng vang giai đoạn này là Voi đi. Đó là một ký sự khoảng 30 trang in, khi viết xong được chuyển cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sau đó được in trong tạp chí Văn nghệ đặc biệt số Sông Thao. Tác phẩm nói về một lần hành quân của đơn vị pháo binh ta với tất cả những gian khó, hiểm nguy và lòng nhiệt tình cách mạng của những người lính trẻ. Lối văn chân thực, sinh động, tươi mới đã gây nên những ấn tượng đậm nét, khiến các nhà văn đàn anh lúc đó như Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng hết sức coi trọng. Các văn sỹ thời ấy kể rằng, Trần Đăng khi đọc Voi đi của Siêu Hải đã ném bút xuống bàn mà nói: “Lính mà viết được thế này thì mình đến bỏ bút thôi”. Tác phẩm này sau đó cũng được đưa vào tập Văn cách mạng và kháng chiến, đưa vào trường học những năm 50 của thế kỷ trước và Siêu Hải trở thành một trong những nhà văn trẻ trong quân đội được tham dự Hội nghị tranh luận Việt Bắc năm 1949, rồi trở thành thành viên dự hội nghị sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957 cùng một số đại biểu trong quân đội lúc đó như Hữu Mai, Chính Hữu, Hồ Phương, Vũ Tú Nam, Hồ Khải Đại, Vũ Sắc…



Tác phẩm tiêu biểu thứ 2 của Siêu Hải là tiểu thuyết Sông Lô viết về chiến thắng hào hùng của Pháo binh ta trong chiến dịch Sông Lô năm 1947. Tác giả kể, nếu như Voi đi suôn sẻ bao nhiêu thì Sông Lô lại trắc trở bấy nhiêu. Tiểu thuyết này được viết lần đầu năm 1957. Sau đó, được gửi cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xem. Lúc ấy Nguyễn Huy Tưởng đã nhận thấy đây là một tác phẩm có chất liệu phong phú, sinh động, giọng văn chân thật, nhưng kỹ thuật viết còn có những non yếu nhất định, vì vậy mà nhà văn đàn anh đã khuyên Siêu Hải để tác phẩm lại, hoàn thiện thêm chưa in vội. Khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất vì căn bệnh hiểm nghèo năm 1960, Siêu Hải đã cảm thấy bơ vơ. Cuốn sách thiếu đi người đỡ đầu và mãi 18 năm sau đó, qua sự giới thiệu của nhạc sỹ Văn Cao, Siêu Hải mới gặp được nhà văn Sơn Tùng. Chính nhà văn Sơn Tùng đã dành ra 2 tháng để góp ý, sửa chữa tác phẩm. Trên sự góp ý của nhà văn Sơn Tùng, Siêu Hải đã hoàn thiện lần cuối cùng và năm 1981 Sông Lô mới được in sau 24 năm kể từ khi hoàn thành bản thảo đầu tiên. Cho đến nay, Sông Lô là một tác phẩm tiêu biểu nhất về pháo binh Việt Nam buổi đầu. Cuốn sách sinh động, văn phong giản dị, trong sáng, đẹp đẽ. Được một số nhà văn, nhà phê bình đánh giá cao, được tái bản nhiều lần.



Chặng thứ 2 của đời văn Siêu Hải là những tác phẩm có màu sắc lịch sử văn hóa viết về Thăng Long – Hà Nội từ cuối thế kỷ thứ 18 đến đầu những năm 30 của thế kỷ 20. Trong đó, gồm các tác phẩm chính như bộ tiểu thuyết 3 tập về Hà Nội: Mảnh trăng Tô Lịch, Bóng chiều Thăng Long, Nắng kinh thành; và tập truyện danh nhân Ngọn bút trong sương; một tập ký gồm những bài ngắn là Trăm năm chuyện Hà Nội; những năm gần đây ông có thêm 2 tập hồi ký Người lính nhà văn nói về những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời cầm súng và cầm bút của mình.



Nhà văn Siêu Hải kể, thực ra trước khi trở về với đề tài Hà Nội, ông có viết tiểu thuyết về Điện Biên Phủ. Ông đã từng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lấy tư liệu. Nhưng bản thảo đã viết được 500 trang đành bỏ dở vì thời ấy có quá nhiều điều tế nhị không thể viết được. Khắc khoải, nuối tiếc đến nửa năm trời ông mới quyết định chuyển sang đề tài về Thăng Long – Hà Nội. Dựa vào những tư liệu trong cuốn phả ký của dòng họ 12 đời ở Thăng Long, ông đã xây dựng nên những cuốn tiểu thuyết văn hóa phong tục. Người đọc có thể thấy Siêu Hải đã tái hiện lại cả những nếp ăn ở, sinh hoạt, phẩm cách của người Hà Nội một thời gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của thời đại. Qua tác phẩm của Siêu Hải người ta còn thấy ông hiểu Hà Nội đến từng chân tơ kẽ tóc. Từng con đường, dòng sông, chợ tạm, đến từng món ăn, thức uống, từng kiểu nhà trên phố… Ông cố miêu tả thật chân xác, như một cách để lưu giữ trong tác phẩm những gì đã biến mất qua thời gian. Dù câu chuyện là hư cấu, nhân vật là hư cấu, nhưng nó thường có mầm mống sự thật. Hấp dẫn người đọc bởi tính chân thật. Và qua những nhân vật cụ thể như Bà Diên Thái, Khanh Trung Hầu, Diệu Linh… nhà văn muốn khái quát thành những điển hình đẹp đẽ về con người Thăng Long – Hà Nội thưở xưa.



Qua những trang hồi ức của nhà văn chúng ta biết được ông đã viết những cuốn sách về Hà Nội trong bệnh tật và nghèo khó. Như một nghịch lý, trước cách mạng, gia đình ông giàu có và danh giá. Ông đã đi chiến đấu cả một đời để khi về hưu, cạn kiệt sức lực lại không có nổi một nơi tử tế để chui ra chui vào. Cả gia đình mấy thế hệ nhà ông chỉ ở trên một căn gác nhỏ mấy mét vuông ở 66 Hàng Chiếu. Vậy mà Siêu Hải vẫn ngày ngày đánh vật với từng trang bản thảo trong cái oi bức, tù túng, ồn ào trên cái “lầu văn” đó.



Siêu Hải thuộc loại người quên mình cho lý tưởng của mình. Khi chiến đấu, ông tận tâm, tận lực, không nề hà một nhiệm vụ khó khăn nào. Còn khi viết văn, ông vắt kiệt sức lực và trí não mình cho từng con chữ. Dù khó khăn, vất vả, dù lận đận đến mấy, ông cũng luôn lạc quan và kiên cường vượt qua mọi trở lực. Nhà văn tâm sự: “Hầu như cả ngày lúc ăn cơm, lúc tắm giặt, lúc lên giường đi ngủ, đầu óc tôi chỉ xoay quanh cuốn tiểu thuyết đang ngày một dày thêm. Suốt cả năm chỉ biết miệt mài vào công việc, bỏ qua mọi yêu cầu của cuộc sống.” Vậy nên khi đang viết tập đầu Mảnh trăng Tô lịch trong bộ ba tiểu thuyết về Hà Nội ông đã bị thủng dạ dày. Mổ, cấp cứu xong, chỉ ba tháng sau, ông lại ngồi vào bàn viết tiếp.



*



Trong công việc Siêu Hải kiên quyết, dữ dội bao nhiêu thì trong đời thường ông giản dị, khiêm tốn và nhân ái bấy nhiêu. Là một người cầm bút sau ông nửa thế kỷ, tôi có may mắn được gần gũi và được ông yêu mến, thường xuyên chia sẻ những ý tưởng trong công việc. Khi bắt đầu viết một cuốn sách, ông thường gọi cho tôi để đàm đạo một vài điều còn vướng mắc, khi viết xong ông lại cho tôi đọc như một độc giả giờ đầu. Là một người nghĩa khí, ông không bao giờ quên ai dù đã động viên ông một lời, giúp cho ông một việc dù là rất nhỏ.



Lớn lên trong một gia đình trí thức của Hà Nội, cái lối sống thanh cao, đạm bạc thấm vào trong mỗi suy nghĩ, hành động của ông. Trong nhà, bao giờ cũng có một ít trà sen, hoặc trà ướp hương nhài, chút kẹo mứt hoặc cốm cho ông đãi bạn. Câu chuyện râm ran. Tiếng cười thoải mái.



Sau này, khi đã gần 80 tuổi ông mới có được căn nhà mới, cuộc sống đỡ phần chật chội, khó khăn. Bấy giờ, ông mới có không gian để treo những bức ảnh của cha mình là học giả Nguyễn Khắc Hanh, ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh Văn Cao, Sơn Tùng và những người bạn quý trong Chiếu Văn. Và tất nhiên, cả một bức ký họa dài ông vẽ lại một cuộc hành quân của đồng đội từ buổi đầu kháng chiến. Trong từng chiếc cặp hồ sơ là những tập bản thảo dày, nhiều trang đã ố cũ. Và, trong đó còn có nhiều bức thư của các bậc đàn anh trong giới Văn nghệ sỹ như Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng… mà ông coi như báu vật của đời mình.



Siêu Hải có lần nói, ông là người lãng mạn. Yêu cái đẹp và những lý tưởng cao quý một thời mà sẵn sàng xả thân trong mỗi trận công đồn. Và cũng vì ánh hào quang ngời chói của giấc mơ văn chương và muốn làm sống dậy cả một di vãng hào hùng, cũng như những truyền thống vĩ đại của cha ông mà không nề hà cực nhọc, khổ đau, đối diện với cái “pháp trường trắng” nghiệt ngã của sáng tạo.



Còn lại với đời bởi đóng góp trong binh nghiệp gắn liền những chiến dịch có tính lịch sử hào hùng, Siêu Hải cũng để lại cho chúng ta những trang văn đầy nhân ái, trong trẻo, in dấu tâm hồn và khát vọng thanh khiết của cả một đời người.

Hà Nội 20-9-2012