Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

ĐẢNG ĐANG PHẢI ĐỐI MẶT VỚI 2 THỨ NGUY HIỂM



(Đất Việt) "Đảng ta đang phải đối mặt với 2 thứ nguy hiểm: Một là suy thoái về tư tưởng chính trị, hai là suy thoái về phẩm chất đạo đức. Nhưng theo tôi, suy thoái về tư tưởng chính trị nguy hiểm hơn nhiều suy thoái về đạo đức, lối sống vì con người không có ý chí, không định hướng mới gây nên suy thoái về đạo đức".
Đây là nhận định của trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu IV về việc tự kiểm điểm theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị TƯ 4.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Ông Thước cho rằng đây chính là đột phá khẩu hết sức quan trọng cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu đột phát khẩu thông suốt, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 đề ra mới mong thành công.
- Vừa qua, nhiều cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị TƯ 4. Tháng 7 này, Bộ Chính trị cũng sẽ tiến hành kiểm điểm. Ông kỳ vọng gì vào những động thái quyết liệt gần đây của Đảng?

Tôi cho rằng đây chính là đột phá quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn, nếu làm được sẽ chặn đứng được tình trạng suy thoái trong Đảng. Một tập thể cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nói và không những nói mà còn quyết tâm làm thì chắc chắn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ thành công. Trước lúc các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị chuẩn bị tự kiểm điểm, Bộ Chính trị đã mời những cán bộ lão thành tới để phổ biến nội dung cuộc làm việc, yêu cầu chúng tôi đóng góp ý kiến để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm quan trọng này. Tôi đã có một bản đóng góp cho tập thể Bộ Chính trị và góp ý cho cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị. Trong bản góp ý này, tôi nói một cách sòng phẳng, với tư cách nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, tôi và các đồng chí của mình cũng đã từng có những cuộc đấu tranh rất quyết liệt trong nội bộ Ban Chấp hành TƯ từ thời Hội nghị TƯ 6. Bấy giờ là thời điểm Liên Xô đang chuẩn bị tan rã, “chủ nghĩa xét lại” đang vùng lên mà người “cổ vũ” cho phong trào đó lại là người trong Bộ Chính trị. Lúc đó chúng tôi đã kiên quyết đấu tranh tới cùng và rốt cuộc cũng thành công, để chúng ta không đi theo vết xe đổ của Đảng cộng sản Liên Xô. Nói vậy để thấy đã đấu tranh là phải tới cùng, không thể nửa vời được.

- Như vây, theo ông, Đảng ta đang đứng trước một thời điểm hết sức quan trọng?

Đúng vậy. Có thể nói Đảng đang đứng trước ngã ba đường và phải kiên quyết chèo lái để đúng với hành trình của nó. Bên cạnh Bộ Chính trị, bên cạnh các Uỷ viên BCH TƯ còn có hơn 3 triệu đảng viên và 87 triệu người dân, ai cũng rất kỳ vọng và mong muốn Đảng luôn là một Đảng tiên phong, một Đảng trong sáng và thực sự vì dân.

Cũng xin nói thêm là mới đây, tôi tiếp tục gửi thêm một lá thư góp ý, lần trước là góp ý về nội dung cuộc kiểm điểm, còn lần này là góp về cách thức tiến hành kiểm điểm của Bộ Chính trị. Vì là quân đội nên tôi vận dụng binh pháp vào sự kiện quan trọng này: Tôi cho rằng, hãy coi đây như một trận đánh chiếm đồn địch, đánh vào thành trì của sự suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, nếu đột phá, thì các lực lượng mới tiến vào được. Bộ Chính trị xem như lực lượng xung kích, mở cửa, nếu mở toang được hàng rào thì các lực lượng phía sau sẽ vào được. Đương nhiên, những người đi đầu cũng phải chấp nhận hi sinh... Tôi viết rằng, với từng vị trí trong Bộ Chính trị, tôi cũng như các đảng viên và hàng triệu người dân trân trọng, gửi gắm vào các từng thành viên Bộ Chính trị với tất cả niềm tin, hãy vì dân thẳng thắn nhìn vào chính mình, dù sai nhiều hay sai ít cũng dũng cảm chấp nhận để tự sửa mình. Bởi nếu Đảng hỏng thì Đảng mất, nhưng nhân dân thì vẫn còn. Thế nên tất cả phải vì dân, dựa vào dân mới tồn tại được.

- Theo ông, điểm mấu chốt quyết định sự thành bại trong cuộc kiểm điểm lần này của Bộ Chính trị là gì? Ai sẽ giám sát việc kiểm điểm này?

Theo tôi, đã làm là phải làm tới nơi tới chốn, kiểm điểm rồi phải có kết luận rõ ràng, đúng sai rành mạch, phân minh. Kết luận phải công bố cho đảng viên, cán bộ lão thành và nhân dân được biết để giám sát. Nếu làm chưa tới thì làm lại, làm tới cùng và không được nể nang dù là đồng chí, đồng đội của nhau. Cái này đòi hỏi dũng khí của từng Ủy viên. Còn nếu làm cầm chừng thì rất nguy hiểm. Khi nào cấp TƯ làm xong thì tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ đạo các cấp dưới làm theo. Cấp dưới cũng trông vào cấp trên để xem chừng, nếu anh làm quyết liệt, làm tới cùng thì họ sẽ làm theo. Còn anh làm qua loa, chiếu lệ thì không bắt được họ làm nghiêm túc. Nếu được như thế, niềm tin của dân với Đảng sẽ lại như xưa.

- Vừa rồi, Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng có quyết định thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, xét xử các vụ án tham nhũng? Phải chăng đây là một động thái quyết liệt hơn trong chống tham nhũng?

Cũng không nên kỳ vọng quá nhiều rằng có Ban Chỉ đạo chống tham nhũng là tham nhũng sẽ hết ngay. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải mở cho được đột phá, rồi muốn làm gì thì làm. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt
Nguồn: datviet