Nguyễn Hoàng Đức
TNblog: Ý kiến riêng của Nguyễn Hoàng Đức. Hãy coi đó là một gợi ý,
một phát biểu có tính tham khảo.
Nhà nước không thể làm kinh tế! Đó là lý thuyết phổ quát trên toàn thế giới. Đó cũng là một mệnh đề chứa nhiều yếu tố công lý nhất. Nếu nhà nước càng làm kinh tế thì càng thất bại. Tại sao? Nhà nước hiển nhiên cho dù với bất cứ thể chế nào thì đêu là cơ hệ thống quyền lực tối cao chuyên tâm đến việc thực thi và bảo vệ pháp luật bằng quyền lực. Quyền lực, pháp luật cũng như chính trị là chức năng chuyên môn của nhà nước. Vậy thì cùng lúc nhà nước không thể làm tốt chức năng kinh doanh.
Người Việt có câu “xay lúa thì khỏi ẵm em”, nghĩa là người ta khó mà cùng lúc làm tốt cả hai việc. Chỉ cần làm một ví dụ đơn giản, chúng ta hãy cầm hai viên phấn cùng lúc ở tay phải và tay trái, rồi vẽ hai hình: một cái là hình vuông, một cái là hình tròn, việc chỉ có thế nhưng xưa nay chưa từng có ai làm được. Các chuyên gia buộc phải đồng ý về sự thực này: xưa nay không có ai là sở trường về mọi thứ. Đặc biệt triết gia Socrate và Platon đã nêu rất kỹ trong cuốn “Cộng Hòa”. Mỗi con người có sở trường riêng giống như mỗi con vật đều có thế mạnh của mình, con chim có cánh, con cá có vây, con dơi tai thính, con chó mũi ngửi xa. Một quốc gia chỉ giầu mạnh khi mọi người được nghĩ và hành động theo sở trường của mình.
Và nhà nước chỉ hùng mạnh khi các cơ quan làm đúng chức năng của nó, bởi vì chính do cần những chức năng khác nhau mà các cơ quan mới được thành lập. Nhà nước với quốc hội hay chính phủ là những cơ quan công quyền, nếu nhà nước làm kinh tế thì có khác gì tự biến mình thành cái chợ. Nước ta hiện rõ ràng đang rơi vào tình trạng này, đi đâu cũng thấy nhếch nhác, nhom nhem, ù cạc, à uôm, lộn xộn, chồng chéo, bất hợp lý, thiếu hiệu quả, không minh bạch… bởi vì nhà nước của chúng ta lại kiêm luôn cả việc kinh doanh, biến cơ quan công quyền thành cái chợ hay hệ thống siêu thị.
Không những thế nhà nước còn thành lập những tổng công ty, những tập đoàn kinh tế lớn, những quả đấm thép để thể hiện vai trò quyền lực của mình. Quyền lực trong kinh doanh là thứ nghiễm nhiên lệch lạc, bị lạm dụng, cập kênh, và thoái hóa, bởi lẽ quyền lực là cái để thể hiện của nhà nước, còn với kinh doanh người ta nên thể hiện chất lượng, uy tín và lời lãi. Chính vì sự khập khễnh trong chính trị và kinh doanh này, nên cả Liên Xô cũ, cả hệ thống Đông Âu đã sụp đổ tan tành, còn Việt Nam thì đang rúng chân vào cơn rệu rã khủng hoảng không cách gì cứu vãn. Tất cả các tập đoàn kinh tế Việt Nam, dù chuyên môn nào thì cũng đều buôn nhà đất, chứng khoán, ngân hàng, tắc – xi… tóm lại, đầu tư trái ngành, không làm đúng chuyên môn, chức năng sở trường của mình mà bỏ đi buôn đồng nát, dù là con cá hay con chim thì đều đòi vừa bay, vừa lặn vừa hót, kết quả tập đoàn nào trông cũng giống quái thai.
Quyền lực không bao giờ tạo ra sản phẩm cho xã hội cả, ngay cả các quan lớn có siêu giầu chăng nữa, thì đó là do sự hạch sách của quyền lực đem lại, giống như quyền lực đã chặn đường lấy tiền mãi lộ, thì đừng cho rằng quyền lực đó đã làm ra con đường hay cái ô tô. Khi làm kinh tế mà phải dùng đến quyết tâm chính trị đó là cách kinh tế trại lính chứ không phải kinh tế của những người thợ. Đó cũng là sự khập khễnh, cọc cạch, râu ông nọ cắm cằm bà kia, thể nào chẳng gây hỏng hóc và đổ vỡ. Kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là một thứ không thuần khiết và cọc cạch. Thực sự của việc đó là: phải có định hướng xã hội chủ nghĩa thì mới còn lý do cho đảng tồn tại. Định hướng nghĩa là lãnh đạo. Mà ai khác ngoài đảng lãnh đạo cơ chứ? Và chúng ta nên nhớ rằng: nếu quyền lực không làm ra dù một mẩu của cải, thì định hướng xã hội chủ nghĩa một thứ “vé kèm ăn theo”. Vé kèm cho tất cả các sản phẩm hay công trình cũng không thể thành của cải mà chỉ là một chiếc vé phạt thuế đè nặng lên sản phẩm. Xã hội ta còn nghèo, các doanh nghiệp è cổ không chịu nổi các loại thuế chỉ vì còn vô số các vé phạt của quyền lực luôn luôn đòi đi kèm như định hướng. Chúng ta thử hình dung một câu chuyện thế này. Một người khách đói bụng muốn vào tiệm ăn, anh ta đang bước vào. Bỗng một kẻ tiến đến và bảo,
“Này anh, hiệu ăn ở kia để tôi dẫn anh vào”.
“Cám ơn nhé, anh tốt quá!” người khách nói.
“Không được ! Anh phải trả công tôi dẫn vào chứ”
Rồi người khách gọi thức ăn, kẻ kia liền nói đế theo “này đem thức ăn ra!”
Ăn xong, người khách trả tiền rồi đứng lên.
“Sao anh không trả tiền cho tôi, người đã gọi thức ăn cho anh?”
“Đâu có! Tự tôi gọi mà”, nói rồi người khách xem đồng hồ.
“Để tôi dẫn anh ra bến tầu, sắp đến giờ tầu chạy rồi đấy”.
“Không cần, anh để tôi yên, bến tầu ngay mép nước kia ai chẳng nhìn thấy, sao anh cứ đòi bám sát để lấy tiền tôi?”
“Trời ơi, không được! tôi là hướng dẫn viên du lịch ở đây, tôi có trách nhiệm phải định hướng anh đi đến nơi về đến chốn!”
“Sao anh không nói đúng tên gọi của việc đó?”
“Nói đúng thế nào?”
“Là anh không phải định hướng mà là nhằng nhẵng bám đuổi để lấy tiền tôi! Liệu xuống tầu, tôi có thoát khỏi anh không?”
“Đời nào, anh sẽ được bàn giao cho một hướng dẫn viên du lịch khác. Đừng có mong thoát khỏi bọn tôi, vì cơ quan du lịch của bọn tôi có quyền hướng dẫn ở khắp mọi nơi!”
“Này anh, hiệu ăn ở kia để tôi dẫn anh vào”.
“Cám ơn nhé, anh tốt quá!” người khách nói.
“Không được ! Anh phải trả công tôi dẫn vào chứ”
Rồi người khách gọi thức ăn, kẻ kia liền nói đế theo “này đem thức ăn ra!”
Ăn xong, người khách trả tiền rồi đứng lên.
“Sao anh không trả tiền cho tôi, người đã gọi thức ăn cho anh?”
“Đâu có! Tự tôi gọi mà”, nói rồi người khách xem đồng hồ.
“Để tôi dẫn anh ra bến tầu, sắp đến giờ tầu chạy rồi đấy”.
“Không cần, anh để tôi yên, bến tầu ngay mép nước kia ai chẳng nhìn thấy, sao anh cứ đòi bám sát để lấy tiền tôi?”
“Trời ơi, không được! tôi là hướng dẫn viên du lịch ở đây, tôi có trách nhiệm phải định hướng anh đi đến nơi về đến chốn!”
“Sao anh không nói đúng tên gọi của việc đó?”
“Nói đúng thế nào?”
“Là anh không phải định hướng mà là nhằng nhẵng bám đuổi để lấy tiền tôi! Liệu xuống tầu, tôi có thoát khỏi anh không?”
“Đời nào, anh sẽ được bàn giao cho một hướng dẫn viên du lịch khác. Đừng có mong thoát khỏi bọn tôi, vì cơ quan du lịch của bọn tôi có quyền hướng dẫn ở khắp mọi nơi!”
*
Nhà nước không thể làm kinh doanh vì tòa thị chính không thể đòi làm cả cái chợ muốn dẫn mối đưa hàng. Đó là điều chắc chắn! Và nhà nước cũng không thể làm nghệ thuật vì nhà nước là cơ quan quản lý của những cán bộ, còn nghệ thuật thuộc về nghệ sĩ. Đó cũng là một điều chắc chắn! Vậy một người viết được vài bài thơ rồi được trở thành hội viên của Hội nhà văn quốc doanh, đó là cách đi giật lùi từ vai nhà thơ về vai cán bộ. Triết gia Aristote nói “nghệ thuật là vấn đề tạo tác (making) chứ không phải làm việc (working)”. Cán bộ là thư lại làm những việc sổ sách công văn giấy tờ theo thói quen sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Ngược lại nghệ thuật là phải sáng tạo, vì vậy mới được gọi là thi sĩ hay nghệ sĩ. Từ vai nhà thơ của nhân dân lại muốn chui vào hội nhà nước là cách từ nghệ sĩ đòi làm cán bộ thư lại. Chẳng lẽ một điều đơn giản thế này mà người ta không nhận ra? Không, ai cũng biết cả, nhưng ở châu Á, nơi văn hóa tiểu nông lép nhép bùn đất, cũng là thứ lép nhép trong tư duy, người ta biết rằng chỉ có cung vua phủ chúa mới có được quyền lực và bổng lộc. Vậy thì làm gì thì làm phải biết chen chân vào các cơ quan có con dấu và quyền lực để trở thành cán bộ vừa được bảo hiểm vừa được ưu tiên. Trời ơi, một nhà leo núi mà muốn bảo hiểm an toàn anh ta sẽ trải chăn ra để leo lên giường có ngã cũng chẳng hề gì, vậy thì làm sao có thể xuất hiện một nhà leo núi? Nghệ thuật cũng vậy, muốn bảo hiểm, muốn bổng lộc đường sữa xin cho chỉ là cách leo chăn gối vừa ấm êm lại vừa an toàn. Không có phiêu lưu thì không bao giờ có nghệ thuật đích thực, vì nghệ thuật là phải phiêu lưu vào những miền đất mới, càng xa xôi thì càng vĩ đại, càng ở gần nhà bú tí mẹ, và bú mớm bao cấp thì càng bé nhỏ. Đi xa không có nghĩa là cứ mua vé máy bay đi Âu Mỹ xoành xoạch, mà là đi theo luật biển, luật không gian của công lý quốc tế. Còn có đi Tây đi Tầu mà vẫn theo lệ làng, lệ hành chính của xứ sở tiểu nông, thì vẫn chỉ là quanh quẩn từ nhà ra ngõ mà thôi.
Ở đời hơn nhau một ly đã phân ra kẻ nhất người nhì, kẻ quán quân người á quân. Vậy mà chưa bước vào nghệ thuật đã muốn làm cán bộ để đổi thành họ “thích đủ thứ”, quyền muốn, tiền muốn, lại làm tí nghệ thuật để cầu mưu danh thì làm sao có thể trở thành quán quân? Vậy thì cái mà mình đạt được, cái gì cũng có một tí chỉ là “niềm kiêu hãnh đồng nát” mà thôi. Nhạc sĩ thiên tài Schuman có nói: Bạn hãy chơi đàn hay đi rồi mọi thứ sẽ đến với bạn. Bạn đừng vừa chơi đàn vừa lo chạy mánh thì bạn chẳng thể nào thành nghệ sĩ tài năng cả. Vừa làm mấy bài thơ, mấy truyện ngắn đã xoay sở chạy mánh vào chân cán bộ thử hỏi làm sao có thể hy vọng trở thành nhà văn lớn với một cố gắng năm thì mười họa của một người thỉnh thoảng mới lên cơn? Không, không có chuyên nghiệp người ta chẳng thể bao giờ trở thành một người thành công cả. Hình ảnh thưởng thấy của các nhà thơ Việt Nam là, họ đổ xuống từ vài chiếc xe buýt, rúc rích xếp hàng lên sân khấu đọc thơ. Trời ơi làm gì có thiên tài đông như thiếu nhi đi cắm trại vậy? Kết quả là người ta buộc phải thừa nhận chỉ có thể viết ra những tác phẩm bé và vừa. Mới đây một nhà thơ có chức và có tài hàng đầu trong hệ thống quốc doanh đã thừa nhận: thế hệ chúng tôi không có cá to, chỉ toàn tép riu.
Trời ơi, người Việt có câu “chán mớ đời!”, tức là cái gì nhiều như mớ tôm, mớ tép thì rẻ lắm, bởi vì một con cá voi không thể thu mình cách chi để trở thành mớ. Nghệ thuật thì ở mức tép riu, vậy còn niềm tự hào về chức vụ cán bộ sẽ đến đâu? Nhiều nhà thơ Việt đã căng mình hết cỡ, nhưng chưa thể chạm ngón chân vào trung ương? Đó chẳng phải là đẳng cấp của trí óc ư? Các nhà thơ với tư duy vần vèo làm sao đủ đẳng cấp để leo vào trung ương? Và dù có vào được trung ương với gần hai trăm con người thì cũng chưa là cái gì cả, làm gì có quyền lực tối cao nào có đến 200 ông vua ?(tất nhiên có một ngoại lệ là nhà thơ Tố Hữu, nhưng cái ngoại lệ này lại tuyên bố cái luật lệ). Người Pháp có câu “nếu một nhà thơ làm chính trị, thì chúng ta mất một nhà thơ và được một nhà chính trị tồi”. Trí khôn của nhà thơ Việt yếu kém như thế nào? Trong vài trăm người viết trường ca, họ không nghĩ ra được một cốt truyện cho trường ca. Điều này phản ánh cái gì? Cốt truyện tức là phải có nhân vật. Nhân vật xuất hiện thì phải có đối thoại. Có đối thoại mới sinh tư tưởng. Từ tư tưởng mới dẫn đến hành động. Nhưng thơ Việt Nam làm gì có tư tưởng cũng như hành động?! Bởi ngay chính những tác giả sinh ra nó cũng chưa từng rne luyện khả năng đối thoại. Người Việt bảo “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”, tư duy lúc nào cũng ấm ớ, úm ba la, úp mở dựa trên những thông tin “bỏ phiếu kín” không minh bạch, thì khôn ngoan ở chỗ nào? Thi ca Việt chủ yếu chỉ có sinh hoạt trà dư tửu hậu hát hò ca tụng, thương vay khóc mướn lăng nhăng.
Muốn làm chính trị thì đòi hỏi phải có tư duy gì? Thứ nhất là tư duy chiến lược nhìn xa trông rộng như Các Mác, Tôn Trung Sơn. Thứ hai là tư duy chiến thuật như “đầu ngắn đuôi dài” của Mao Trạch Đông, hoặc dưới nữa là Hồ Chí Minh. Thứ ba là loại thủ thuật hay mẹo vặt kiểu trí khôn thủ thân trong bếp như Từ Hi Thái Hậu. Còn lại ba thứ mẹo vặt để leo cao tí ti thì chấp làm gì? Người Pháp có câu : “Đỉnh núi cao chỉ có chim ưng và loài bò sát lên tới”, một là bay thật cao hai là bò thật sâu mới có thể chạm đỉnh, còn với trí khôn ba cái mẹo vặt lèo tèo, vừa làm mấy vần thơ, vừa ảo thuật leo ghế cán bộ, cái khôn nhất của một nhà thơ là trở thành chuyên nghiệp thì không làm được. Thử hỏi sẽ tới được cái gì? Còn rất nhiều nội dung tương quan giữa quyền lực và nghệ thuật tôi muốn bàn sâu hơn. Xin hẹn gặp các bạn lần sau. Cám ơn!
N H Đ 22/09/2012f
Nguôn: Badamxoe