Nguyễn văn Hòa
Trong số những cây bút nữ tài hoa trong lĩnh vực thơ tình như: Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến... thì Đoàn Thị Lam Luyến có một kiểu tình yêu mạnh mẽ, bạo dạn, không giống ai. Bà từng là người đơn phương phát động cuộc “chiến tranh tình ái”. Tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến có cái khao khát bản năng phóng túng, mãnh liệt và sôi nổi. Ít người có được cá tính như bà: phân cực tình cảm, yêu ghét, rạch ròi. Bà yêu “đến nơi đến chốn” và yêu ai cũng yêu một cách tận cùng. Lam Luyến đã từng nếm trải nỗi đau khổ tột độ trên bước đường kiếm tìm hạnh phúc- bến đỗ của tình yêu. Cho nên, trong thơ bà thường xuất hiện những từ ngữ thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt. Bà hoài vọng về một tình yêu vĩnh viễn, đủ đầy nhưng toàn gặp trắc trở và khổ đau. Có lẽ, Đoàn Thị Lam Luyến chỉ sống được trong thế giới của tình yêu. Và “yêu” đó là tâm lý thường trực ở người đàn bà tài sắc đa đoan này.
Bà từng tâm sự: “Tôi chính thức có hai lần đăng ký kết hôn. Hình thức gia đình tồn tại 10 năm trời nhưng hạnh phúc ngắn ngủi không đầy 12 tháng. Sau đó cũng có vài ba cuộc tình ngắn ngủi, nhưng ...”. Dù nhiều lần hẫng hụt, bà nói rằng bà không hề cảm thấy ân hận, bởi đã luôn sống, thương yêu, nhớ nhung và đau khổ thật với lòng mình.
Đoàn Thị Lam Luyến, khát yêu, vồ vập yêu, dại yêu, xây dựng hạnh phúc như làm nhà trên lưng cá voi. Bà quyết liệt dữ dằn “châm khói” và tuyên chiến với tình yêu: Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia/ Giống như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác/ Bỗng chốc anh trở thành tư bản/ Trong tay những kẻ chỉ yêu tiền/ Ghen như sôi và giận như điên ... (Chiến tranh).
Tình yêu là chủ đề lớn và chiếm đa số trong sáng tác của Đoàn Thị Lam Luyến. Thơ bà bộc lộ hầu hết những cung bậc, với những nỗi khát khao về một tình yêu trọn vẹn, đủ đầy. Với bà, tình yêu không chỉ đơn giản chỉ là tình yêu mà nó là những cái cao đẹp, thánh thiện của con người. Bởi vì tình yêu là sự sống. Nơi nào có tình yêu, nơi ấy còn sinh sôi, nảy nở. “Chất thơ” trong cuộc sống bắt nguồn từ tình yêu. Cơn khát tình yêu không thỏa nên thi sĩ luôn khao khát kiếm tìm: Sống mà không có tình yêu/ Thà cùng chết để sớm chiều bên nhau (Người xưa).
Lam Luyến thường hay nhấn mạnh đến cái tôi của mình. Đó là cách bà dùng lớp từ ngữ xưng hô trong thơ tình : em , tôi, ta. Sự xuất hiện đều đặn, có khi dày đặc các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong thơ tình Lam Luyến đã thể hiện sự khát khao cháy bỏng trong tình yêu với một cái tôi cá tính đặc biệt. Bao giờ, lúc nào, ở đâu và làm gì, bà cũng muốn khẳng định mình, bà cũng cố vươn lên trên mọi hoàn cảnh sống:
Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hỏa/ Như ngọn lũ sông Hồng chỉ chực vỡ đê/ Như Eva khát một lần trái cấm/ Trái cấm rơi, phúc-họa cũng theo về! (Gọi Thúy Kiều).
Ta trao cả cho anh/ Một tình yêu cháy bỏng/ Như một cánh buồm xinh/ Hiến mình cho biển rộng/ Ta đã gửi cho anh/ Một con tim dào dạt/ Và anh trả cho ta/ Nỗi buồn đau tan nát! (Gửi tình yêu) …
Đôi lúc nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại những thăng trầm, đau khổ mất mát, những hụt hẫng đã qua, Đoàn Thị Lam Luyến đã có sự liên hệ, so sánh số phận của mình với những nhân vật nữ bất hạnh trong văn học sử, đó là: Thuý Kiều, Xuý Vân, Thị Mầu, Hồ Xuân Hương …Em đứng giữa Đông, Tây, Kim, Cổ/ Sao vẫn cứ là Kiều dang dở tình anh/ Em không muốn như Xúy Vân cả một đời trót dại/ Em không muốn như Thúy Kiều biết tình yêu là vật báu/Em không muốn như Xuân Hương thông minh sắc sảo/ Lại theo sau nhặt mãi lá- đa- tình/ Em không muốn/ Sao cứ là tất cả?/ Anh không một lần quyết đoán/ Lỡ để em là Tố Tâm.
Cũng như Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Lam Luyến sinh ra trên cõi đời này là để yêu. Xuân Diệu tự nhận mình là người “khờ khạo”, “ngu ngơ”, “chỉ biết yêu thôi chả biết gì”. Cả đời Xuân Diệu cho nhiều mà nhận chẳng được bao nhiêu. Cho nên suốt đời ông sống trong cay đắng, tủi hờn, cô đơn đi giữa sự hờ hững, lạnh nhạt của cuộc đời. Còn Xuân Quỳnh, có cái diễm phúc và may mắn hơn nhiều so với Xuân Diệu và Đoàn Thị Lam Luyến. Xuân Quỳnh đã tìm thấy được sự đồng vọng, đền đáp, được sống bên cạnh người mình yêu thương. Hạnh phúc tột cùng, Xuân Quỳnh có lúc dâng trào nỗi niềm hân hoan của tình yêu chồng vợ: Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại (Thơ tình cuối mùa thu).
Lam Luyến yêu một cách cuồng nhiệt, cháy bỏng nhưng đổi lại đó là những mất mát, đổ vỡ và thất bại tột cùng. Càng đổ vỡ và mất mát bà lại càng khao khát được yêu, được sống trong tình yêu chồng vợ. Trong bài Huyền thoại bà viết: Giá được một chén say, mà ngủ suốt triệu năm/ Khi tỉnh dậy, anh đã chia tay với người con gái ấy .../ Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy/ Em sẽ chờ như thể một tình yêu.
Lam Luyến yêu đến độ mê đắm, lúc nào bà cũng tôn thờ và đề cao người tình của mình một cách trang trọng, hơn mức bình thường. Trong cái nhìn của bà, người tình của mình luôn có những phẩm chất, những đức tính tốt đẹp nhất: Anh có trong tay tất cả/ Tài danh, sức lực, quyền hành/ Em là kẻ ăn mày sang trọng/ Một chiều bén ngõ nhà anh.
Hình ảnh người tình của Đoàn Thị Lam Luyến, có lúc được bà “thiêng hóa”: Anh đến như trời sai đến/ Em không giữ nổi phép màu/ Như có bàn tay định mệnh/ Bàng hoàng ánh mắt giao nhau (Lời anh trên biển).
Bà tin tưởng tuyệt đối vào những lời lẽ đầy yêu thương, ngọt ngào (có vẻ lý thuyết suông) của người tình: Anh yêu em như yêu gió, yêu mây, yêu trời, yêu đất/ Như yêu ruộng, yêu đồng, yêu nhạc, yêu thơ/ Nửa đời rồi em vẫn cứ mộng mơ/ Nên rất chi hài lòng với lời yêu được ví von như thế (Đừng hứa sẽ cho nhau).
Nồng nhiệt và tự tin đến ngây thơ, bất chấp những cảnh ngộ thực tế, người đàn bà ấy sẵn sàng cao giọng “thách thức” với mọi khắc nghiệt của đời sống: Gian khổ hay cách trở/ Thương nhau thêm bội phần/ Và với em khi đó/ tình yêu là phép nhân (Phép nhân).
Với Đoàn Thị Lam Luyến, bà sẵn sàng thế chấp tất cả vì tình yêu, cho dù đó chỉ là tình yêu đơn phương, chỉ là tình cảm một phía, không được đền đáp, không được nhận lại và không được sẻ chia: Dẫu chẳng được hẹn hò/ Em cứ đợi cứ say/ Ngâu có xa nhau, Ngâu có ngày gặp lại/ Kim-Kiều lỡ duyên nhau chẳng thể là mãi mãi/ Em vẫn đợi/ Vẫn chờ/ Dẫu chỉ là huyền thoại một tình yêu (Huyền thoại).
Vì quá yêu, yêu quá cuồng nhiệt nên có lúc bà đã ngộ nhận, để rồi cũng phải nhận lấy những thất bại về mình. Trong bài thơ “Em gái”, bà viết: Em đầy ngộ nhận như tôi/ Cũng yêu chí chết cái người mình yêu/ Cũng tìm những lối phong rêu/ Để rồi bước trật bước trèo uổng công. Đây chính là những lời giãi bày, những lời tâm tình của một con người đã từng trải qua những vấp váp, những dâu bể, vấn vương của cuộc đời. Đặc biệt là vấn đề tình cảm, tình yêu và vấn đề hạnh phúc gia đình.
Đoàn Thị Lam Luyến thấy rằng cuộc đời mình, chuyện tình cảm của mình với cuộc đời đứa em gái, hình như là một. Cũng đầy chông chênh, thất bại và đổ vỡ. Dù đã yêu hết lòng, yêu cháy bỏng, yêu hết tâm can, nhưng đổi lại đó là sự đau xót và mất mát, một sự hy sinh vô ích và không có kết quả tốt đẹp. “Để rồi bước trật bước trèo uổng công”. Theo bà, “Gửi tình vào đất/ Được hoa trái đầy cành”, nhưng gửi tình yêu vào người thì lại không thu được những điều ngọt lành như thế. Có lúc chị cũng phải nhận ra rằng:Ta trồng mía hoá lau/ Chăm lan mà tốt ngải/ Nửa đời trong u mê/ Nửa đời tìm chiến bại.
Những người đàn ông đi qua cuộc đời Đoàn Thị Lam Luyến đã để lại trong bà những sự tổn thương, những vết thương lòng khó lành theo năm tháng, nhưng không vì thế mà bà oán trách họ. Lam Luyến luôn nhận về mình những thiệt thòi, những tủi nhục, đau khổ và mất mát. Và bà tự trách mình là quá ư vụng dại, quá ư thật thà để lại bị lọc lừa: Không hoang cây chỉ hoang đồi/ Em hoang con bởi có người đi hoang/ Số cầm tinh con dã tràng/ Có viên ngọc cát biển mang đi rồi/ Lỡ chồng gỡ lấy con thôi/ Lẽ đâu cam cái phận trời dành cho.
Dù đã trải qua bao thất bại, bao mất mát, bao đau đớn dữ dội trong tình yêu. Nhưng càng thất bại, càng mất mát, càng đau đớn bao nhiêu bà lại khao khát đi tìm một mối tình mới: Tôi khao khát một mối tình/ Một tình yêu chỉ riêng dành cho tôi/ Để ngày tôi ngắm tôi soi/ Để đêm đắp áo cho người xông hương ... Tôi đang khao khát đi tìm/ Một tình yêu chỉ là riêng của mình! (Đi tìm). Có lúc Đoàn Thị Lam Luyến bộc lộ một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu muộn màng của mình với một thái độ thản nhiên: Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm (Chồng chị chồng em). Chị đã ý thức sâu sắc rằng: để có tình yêu và hạnh phúc không phải là điều đơn giản, dễ dàng. Có lúc phải giành giật, xâu xé lẫn nhau để giành lấy nó: Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia/ Cũng như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác. Nhưng khi đã giành được, bà cũng phấp phỏng lo âu, bởi vì: Anh vốn yếu mềm và biếng nhác/ Miếng mồi của chiến tranh man rợ diệu kỳ/ Em sửng sốt nghĩ tới một ngày anh lại bỏ ra đi.
Đoàn Thị Lam Luyến luôn hướng khát vọng về một thế giới hoàn mỹ, bà đã khước từ mọi cái xấu, cái tầm thường, vươn lên luyện cho trái tim cứng cáp và nhạy cảm phô bày tất cả cái tốt đẹp lẫn cái phù phiếm. Bà yêu ghét không bao giờ lưng chừng mà rất mạnh bạo, cả quyết đến liều lĩnh bản năng: “Con tim em hạn hán/ Tình anh là mưa bay”. Cứ thế, bà lặng lẽ nhả hương trong bóng tối đời mình. Chính bà cũng đã tự giễu chính mình bằng những câu thơ đầy hóm hỉnh nhưng cũng đầy chua xót: Làng thơ có chị Đoàn Lam/ Tình dọc thì ít, tình ngang thì nhiều/ Hết “châm khói” lại “Dại yêu”/ Xem trong âu yếm có nhiều chông gai.
Bà dám đạp lên dư luận, đạp lên truyền thống để đi tìm tình yêu mới đích thực trong cuộc đời. Với bà tình yêu đến dù muộn màng nhưng âu đó cũng là duyên nợ. Quan trọng là phải sống thành thực và hết lòng với tình yêu mà mình vừa có được. Vì vậy, có lúc bà biểu thị thái độ dữ dằn và quyết liệt: Ai bảo mẹ sinh em đẹp/ Ai xui cha muốn con giàu. Hay Em đã vu oan Thị Kính/ Em cứ lẳng lơ Thị Mầu.
Nói như nhà phê bình Thái Doãn Hiểu: "Trong hào quang của tình yêu cay đắng, Lam Luyến mới bộc lộ hết được toàn vẹn vẻ đẹp chân thật từ trái tim nổi dậy đầy bản lĩnh của mình. Sự nổi loạn cá tính là điều chủ yếu cho sự hình thành và tồn tại của một cây bút".
Thơ Đoàn Thị Lam Luyến là tiếng nói chung cho những người phụ nữ đã từng yêu và được yêu. Những ai đã từng yêu và được yêu, những ai đã gặp những trắc trở trên con đường hạnh phúc, đều tìm thấy ở thơ Lam Luyến một sự đồng điệu, tri âm, tri kỷ. Lam Luyến đã thể hiện một cách chân thật, độc đáo và thành công ngôn ngữ tình yêu trong thơ của mình. Thơ tình của bà là kết tinh của sự nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, nỗ lực kiếm tìm một nửa đời mình trên con đường gập ghềnh, xa ngái bằng tất cả đam mê.
Những khao khát tình yêu mãnh liệt trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến đánh thức phần bản năng nhất của con người mà lâu nay người ta thường giấu giếm, che đậy. Điều ấy mang một giá trị nhân văn sâu sắc.
Nguyễn Văn Hòa
Giáo viên Trường phổ thông cấp 2-3 Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên