Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

“ĐỔI MỚI NHƯNG BÀN TAY PHẢI SẠCH”

Dương Đức Quảng

TNb: :Từ ngày 30/11/2012,, sau 3 năm 3 tháng mở blog Đầu Gối, nhà báo Dương Đức Quảng đã chia tay bạn đọc, chính thức đóng blog này.Trước khi đóng blog, ông có một bài viết cuối cùng trên blog Đầu Gối để tưởng nhớ Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà ông rất kính trọng và quý mến.TNc.xin giới thiệu bài viết này của ông.


Thủ tướng Võ Văn Kiệt (phải), nhà báo Dương Đức Quảng (trái) >>>

Đó là câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tôi trong một buổi sáng Thủ tướng gọi tôi lên phòng làm việc của ông. Dạo ấy, ở Văn phòng Chính phủ (VPCP), ngoài Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm thường xuyên tiếp xúc và làm việc với Thủ tướng, có hai Vụ trưởng là Vụ trưởng Vụ Nội chính và Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của VPCP hầu như tuần nào cũng được Thủ tướng gọi lên làm việc, có tuần hai, ba lần. Từ ngày được điều động từ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lên VPCP giúp việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực thông tin, báo chí (tháng 3-1993), tôi được Bộ trưởng và Thủ tướng giao theo dõi tin tức hàng ngày trên báo chí, làm điểm báo và nắm bắt dư luận xã hội, dư luận báo chí về sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng để báo cáo lãnh đạo xử lý. Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp yêu cầu tôi điểm báo phải phản ánh trung thực, đầy đủ các ý kiến và phát hiện của báo chí về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước... để Thủ tướng biết, chỉ đạo xử lý...

Ai cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những vị lãnh đạo có công rất lớn đối với công cuộc đổi mới đất nước. Trong những năm làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân rồi Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, thời kỳ còn bao cấp nặng nề, sản xuất đình đốn, công nhân bỏ việc, người dân thiếu ăn, đến cả bo bo cũng không đủ, phải phân phối… Ông và lãnh đạo thành phố chủ trương “phá rào chính sách kinh tế”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước chủ động tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu và cho phép Công ty lương thực thành phố thu mua lúa gạo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về bán cho dân…Một số nhà máy, xí nghiệp, công ty làm ăn có hiệu quả, trở thành đơn vị điển hình đi đầu trong đổi mới sản xuất, kinh doanh, được cả nước biết đến. Sau này một số lãnh đạo đơn vị điển hình đó có những biểu hiện tiêu cực bị báo chí phát hiện và phản ánh trên mặt báo.



Hôm ấy, sau khi nghe tôi báo cáo một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ của Chính phủ với báo chí và báo chí với Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi tôi:

-Gần đây các nhà báo có ý kiến gì về công việc điều hành của Thủ tướng?

Tôi mạnh dạn thưa với Thủ tướng là mấy ngày gần đây có một số báo đăng bài viết về tiêu cực xảy ra tại một số đơn vị, xí nghiệp, công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những nơi điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới. Một số nhà báo cho rằng các vụ việc báo chí nêu ra sẽ rất khó xử lý vì những nơi ấy được Thủ tướng, khi còn là Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy đến thăm và lãnh đạo các đơn vị ấy từng được Thủ tướng khen ngợi, động viên.

Nghe tôi báo cáo như vậy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói luôn:

- Các nhà báo nghĩ vậy là không đúng, không hiểu tôi. Đúng là khi còn ở thành phố tôi luôn động viên, khuyến khích lãnh đạo các đơn vị, công ty, xí nghiệp mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, phương thức làm ăn, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa cho xã hội và cải thiện đời sống của người lao động. Tôi đã đến thăm, động viên anh chị em cán bộ, công nhân nhà máy thuốc lá Bến Thành khi nhà máy đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ giải quyết khó khăn về nguyên liệu nhập khẩu, đưa nhà máy phát triển. Nhưng nay lãnh đạo nhà máy có tiêu cực, tham nhũng thì phải kiên quyết xử lý. Tôi từng nói với các Tổng Giám đốc: “Các đồng chí mạnh dạn đổi mới sản xuất, kinh doanh tôi ủng hộ, miễn là bàn tay các đồng chí phải sạch. Nếu vì đổi mới mà các đồng chí phải vào tù thì tôi sẽ vào thăm, mang cà phê vào mời các đồng chí uống! Còn một khi bàn tay các đồng chí lem nhem, không sạch thì đừng mong gì ở tôi!

Ông nói thêm, những việc báo chi nêu về ông Văn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty dâu tằm tơ, ông Thụy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty thuốc lá Sài Gòn, ông Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Liksin, ông Qùy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia Sài Gòn ông sẽ cho kiểm tra ngay, ai bàn tay không sạch, “lem nhem” là phải cách chức, không có ngoại lệ. Ông còn kể vài chuyện mà ông biết về sự “lùm xùm” và phô trương, hình thức trong việc xây nhà, xây mộ ở quê, đi nước ngoài nhận danh hiệu này nọ của hai trong số bốn ông Tổng Giám đốc trên đây.

Dưới đây tôi xin ghi lại chỉ thị cụ thể của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về giải quyết các vụ việc này để thấy thái độ kiên quyết của Thủ tướng chống lại tham nhũng, tiêu cực, dù người đó, đơn vị đó đã từng có thành tích trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, từng được Thủ tướng khen ngợi trước đây.

Ngày 17/12/1993, trong tờ Điểm báo hàng ngày báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có tóm tắt nội dung bài báo “Những phi vụ lạ đời của nhà máy thuốc lá Bến Thành”, đăng trên báo Thanh Niên ngày 9/12/1993, trong đó có câu nhận xét: “Nhà máy thuốc lá Bến Thành có thể coi là một điển hình về làm nghèo đất nước”. Sau khi xem báo cáo Điểm báo này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gạch đỏ dưới câu trên trong bài báo và ghi bên lề đoạn điểm bài báo như sau: “Hỏi ngay vụ này nếu đúng phải xử lý ngay. Lệnh ngay cho BTC cho kiểm toán 3 cơ sở: 1/Litsin; 2/LHTlá (anh Thụy); 3/Dâu tằm (a. Văn). B/c TTCP. 19/12 6Dân”. Thủ tướng còn ghi tiếp: “Thêm: Tôi đã chỉ thị trực tiếp anh Trọng nhưng cần có lệnh ngay” (những chữ Thủ tướng viết tắt trong tờ Điểm báo trên, như BTC là Bộ Tài Chính, LHTlá là Liên hiệp Thuốc lá, B/c TTCP là Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, anh Trọng là Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Trọng và 6 Dân là tên thường gọi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Sau đó, như mọi người đều biết các vụ việc trên đều đã được xử lý nghiêm minh, các cán bộ có sai phạm, tùy mức độ nặng nhẹ đều bị xử lý, từ bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức đến bị truy tố trước pháp luật, trừ trường hợp ông Hoàng Chí Quỳ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia Sài Gòn.

Về trường hợp ông Qùy, báo chí lúc đó có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số báo lớn, chủ yếu là báo xuất bản ở trung ương, ủng hộ ông trong việc đổi mới cơ chế quản lý và phương thức kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thân cho người lao động. Một số báo khác lại có ý ngược lại, cho rằng ông vi phạm cơ chế quản lý, có những việc làm vô nguyên tắc và tiêu cực…Trước các ý kiến khác nhau mà báo chí phản ánh, ngày 8/3/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao VPCP tổ chức một cuộc họp tại TP Hồ Chí Minh do Thủ tướng chủ trì, gồm lãnh đạo Bộ Công nghiệp nhẹ, Thanh tra Nhà nước, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam… để nghe các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo kết quả thanh tra các vụ việc liên quan đến những vấn đề báo chí nêu ra. Trong cuộc họp ấy, sau khi nghe ông Lê Quang Thẩm (Tám Thẩm), Phó Tổng Thanh tra Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra và ý kiến của các vị lãnh đạo các cơ quan tham dự, trước khi kết luận, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi lại ông Tám Thẩm:



-Cơ quan thanh tra có kết luận anh Qùy tham ô không?



Ông Tám Thẩm báo cáo Thủ tướng cho đến thời điểm thanh tra không phát hiện việc ông Qùy tham ô. Thủ tướng kết luận: Ông Qùy có một số thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý và điều hành nhưng đã có nhiều việc làm tích cực, đổi mới cơ chế quản lý và phương thức sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty Bia Sài Gòn, tăng thu ngân sách nhà nước và tăng thu nhập cho người lao động. Mặc dù có rất nhiều áp lực đòi cách chức và thi hành kỷ luật ông Qùy, nhưng cuối cùng Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Đặng Vũ Chư khi đó, vẫn để ông Qùy giữ nguyên chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia Sài Gòn, vì “cho đến thời điểm thanh tra không phát hiện việc ông Qùy tham ô”.



Nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2012) tôi viết bài báo này và cũng là bài báo cuối cùng của tôi đưa lên Blog Đầu Gối để tưởng nhớ ông, vị Thủ tướng hết lòng vì nước vì dân, một trong những kiến trúc sư của công cuộc đổi mới đất nước và là người kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi làm nghèo đất nước. Nhớ ông, tôi nhớ mãi câu nói của ông với tôi trong một buổi sáng cách đây đã gần 20 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị hiện thực trong cuộc sống hôm nay “Đổi mới nhưng bàn tay phải sạch”.

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2012